Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu. Ảnh: Bảo Hân
Không rút bảo hiểm xã hội 1 lần để về già có lương hưu
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền năm nay đã 40 tuổi, làm công nhân trong khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Chị cùng chồng và 4 người con thuê trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Sau 13-14 năm làm việc, lương cơ bản của chị là 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng làm công nhân, tổng thu nhập của cả 2 được 20 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, vợ chồng chị gần như không thể dành dụm bởi phải trang trải rất nhiều khoản nơi đất khách quê người.
Nữ công nhân cho biết, trước mắt chị muốn tiếp tục làm việc tại Hà Nội, bởi nếu chuyển việc, chị phải bắt đầu lại với mức lương cơ bản khởi điểm khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Chị Huyền cho hay, nếu phải nghỉ việc, hoặc chuyển về quê, chị sẽ không rút BHXH 1 lần. “Rút BHXH 1 lần thì chỉ được khoảng 100 triệu đồng, tiêu rồi sẽ hết. Trong khi đó, trong trường hợp nghỉ việc mà không rút BHXH 1 lần, bảo lưu để sau đó tiếp tục tham gia BHXH thì với quy định trong Luật BHXH 2024 sắp có hiệu lực, tôi sẽ được hưởng nhiều quyền lợi bổ sung như: Hỗ trợ tín dụng, cơ hội hưởng trợ cấp hằng tháng… và sau này về già sẽ có cơ hội để được hưởng lương hưu, đảm bảo cuộc sống tuổi già”, nữ công nhân chia sẻ.
Tạo sự yên tâm cho người lao động
Theo ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nếu như những năm trước, cứ vào tháng 12 là nổi lên vấn đề nóng là gia tăng tình trạng người hưởng BHXH 1 lần, thậm chí có tình trạng xếp hàng chờ từ 4 giờ sáng để chờ nhận BHXH 1 lần ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, thì trong năm 2024, hiện tượng này cơ bản đã giảm.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong 6 tháng cuối năm 2024 cho thấy, số người nhận BHXH một lần giảm 17.000 người so với tháng 12.2023.
“Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Khi Luật BHXH được thông qua, điều kiện nhận BHXH 1 lần là rõ ràng và có chính sách khuyến khích người lao động ở lại hệ thống, không hưởng BHXH 1 lần để có cơ hội hưởng lương hưu”, ông Giang cho biết.
Theo ông Giang, mặc dù ngày 1.7.2025, Luật BHXH sửa đổi mới chính thức có hiệu lực, nhưng điều khoản này đã cơ bản đi vào cuộc sống và tạo sự yên tâm cho người lao động.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - nhận định, thời điểm năm 2023 xảy ra tình trạng rút BHXH 1 lần nhiều do nhiều yếu tố, trong đó nhiều NLĐ mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đây còn là thời điểm hoàn thiện chính sách về BHXH, trong đó có chính sách về BHXH 1 lần. Do nhiều NLĐ chưa hiểu rõ, đầy đủ quy định nên lo sợ chính sách BHXH mới theo Luật BHXH đang được sửa đổi sẽ tác động, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, nhất là chính sách BHXH 1 lần, nên nhiều người có tâm lý “chạy chính sách”, muốn hưởng chế độ BHXH 1 lần trước khi luật được thông qua.
Trong năm 2024, quá trình thảo luận chính sách rõ ràng, minh bạch giúp NLĐ hiểu được quy định của luật không ảnh hưởng, tác động đến người tham gia BHXH trước ngày 1.7.2025. Bên cạnh đó, thị trường việc làm hiện nay đã tốt hơn, thậm chí còn thiếu lao động…
Ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, hiện nay, sau quá trình truyền thông, phổ biến, nhiều NLĐ đã hiểu rõ chính sách an sinh xã hội, nhất là chế độ hưu trí trong Luật BHXH 2024, từ đó giúp giảm tình trạng rút BHXH 1 lần.
https://laodong.vn/cong-doan/so-nguoi-rut-bao-hiem-xa-hoi-1-lan-giam-manh-1460777.ldo