PGS.TS Nguyễn Duân - Chủ tịch Công đoàn Đại học Huế (thứ 2 trái sang) - tổ chức khánh thành công trình nhà công vụ giáo viên Trường TH&THCS Bán trú Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tăng xử phạt
Dự thảo sửa đổi Nghị định 12/2022 (Dự thảo) sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 12/2022 như sau:
“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với NLĐ, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện NLĐ, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử về tiền lương, thưởng, phúc lợi, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
b) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, Công đoàn Việt Nam để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
c) Sa thải, kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, không gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chuyển NLĐ làm công việc khác;
d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở...
Dự thảo cũng quy định mức xử phạt hành vi xuyên tạc thông tin về tổ chức Công đoàn. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 53 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng việc thành lập, gia nhập hoặc hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; nhận viện trợ, tài trợ, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật trái quy định của pháp luật; thông tin không đúng sự thật, kích động, xuyên tạc, phỉ báng về tổ chức và hoạt động công đoàn”.
Thêm vững tâm, càng gắn bó với công đoàn hơn
Chị Đỗ Thị Tuyến - công nhân và là Tổ trưởng Tổ công đoàn 15 - Công ty Cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) - cho biết, tổ công đoàn 15 có 47 đoàn viên, cả công ty có hơn 2.000 đoàn viên.
“Tôi chủ trì các hoạt động thăm nom, cưới xin, hiếu hỉ của anh chị em trong tổ. Thú thực từ ngày tham gia hoạt động công đoàn, tôi rất vui vì qua đó được gắn kết tình cảm với đồng nghiệp. Vui hơn nữa là lãnh đạo công ty cũng hết sức tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn tại cơ sở. Việc chúng tôi dành thời gian đi thăm hỏi, họp công đoàn… không bao giờ bị gây khó dễ” - chị Tuyến chia sẻ.
Cũng theo chị Tuyến, dù chưa có khó khăn phát sinh, nhưng khi nắm được những nội dung mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 12/2022, đặc biệt là các nội dung tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn cơ sở, hoạt động công đoàn, quyền gia nhập công đoàn của NLĐ… chị càng thêm vững tâm, càng gắn bó với công ty, công đoàn hơn.
Trao đổi với PV Lao Động ngày 7.2, PGS.TS Nguyễn Duân - Chủ tịch Công đoàn Đại học Huế - cho biết: “Là chủ tịch công đoàn với hơn 3.500 viên chức, NLĐ hoạt động trong 17 CĐCS trực thuộc, tôi thấy rằng tổ chức Công đoàn và NLĐ của Đại học Huế luôn được quan tâm kịp thời, sâu sát, được tạo mọi điều kiện để tổ chức Công đoàn các cấp được hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ. Điều này góp phần đảm bảo sự đoàn kết, gắn bó, cống hiến của NLĐ đối với nhà trường nói chung và tổ chức Công đoàn nói riêng”.
Với các nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 12/2022 nêu, PGS.TS Nguyễn Duân cho rằng: “rất đúng đắn và kịp thời”.
“Đây sẽ là hành lang pháp lý vững chắc, điểm tựa quan trọng không chỉ cho tổ chức Công đoàn Việt Nam mà còn cho từng cán bộ công đoàn, từng đoàn viên và từng NLĐ; phù hợp với xu thế phát triển của xã hội văn minh, đáp ứng yêu cầu của mối quan hệ lao động hài hòa, dân chủ, văn minh; phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của nước ta nói chung và tổ chức Công đoàn nói riêng” - PGS.TS Nguyễn Duân nói.
https://laodong.vn/cong-doan/them-quy-dinh-de-bao-ve-can-bo-va-to-chuc-cong-doan-1460019.ldo