Lao động nữ ngoài 40 tuổi có ít cơ hội việc làm do sự kén chọn từ nhà tuyển dụng. Ảnh: Hoa Lê
Làm 4 năm, lương 6 triệu đồng/tháng
Chị Hoàng Thị Minh, sinh năm 1980, hiện đang sinh sống ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội). Chị Minh đã làm việc tại Công ty TNHH Thương mại và Thực phẩm Hải Thành (đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) được 4 năm, lương 6 triệu đồng/tháng. Công việc hằng ngày của chị Minh là chốt đơn chi tiết số lượng các món mà hệ thống nhà hàng đặt của công ty, sau đó chốt định lượng thực phẩm với bộ phận thu mua để đảm bảo đúng, đủ theo đơn.
“Công việc của tôi không phức tạp, chỉ đòi hỏi sự chính xác khi chốt sổ cuối ngày. Ai cũng nói công việc quá nhẹ nhàng, tuy nhiên, sau 4 năm làm việc lương tôi hiện hưởng chỉ 6 triệu đồng/tháng”, chị Minh nói.
Theo chị Minh, chị quê gốc ở phường Yên Nghĩa, lấy người cùng làng, được bố mẹ chồng cho đất xây nhà, chồng chị làm cai thầu xây dựng quy mô nhỏ tại địa phương. Những năm trước, chị hầu như chỉ ở nhà nội trợ, cơm nước phục vụ chồng con. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, công việc của chồng chị bấp bênh, thu nhập chưa được 50% so với trước dịch, chị bắt đầu tìm việc làm thêm. Tuy nhiên, tuổi 40 rất khó xin việc, đến nơi nào nộp hồ sơ chị Minh cũng bị hỏi về kinh nghiệm, trình độ…
“Ban đầu, tôi nhận việc dọn nhà theo giờ cho các gia đình trong khu phố. Sau thấy cũng không ổn định, giờ giấc thất thường do phụ thuộc thời gian rảnh của chủ nhà, tôi quyết định xin việc. Mặc dù ở đây lương thấp, nhưng tôi được ký hợp đồng và đóng bảo hiểm. Khoảng cách từ nhà tôi đến nơi làm việc chỉ khoảng 4 km. Đôi khi thấy lương thấp, muốn chuyển sang việc khác, nhưng nghĩ đến đòi hỏi về kinh nghiệm, kỹ năng, tôi lại ái ngại… Nghĩ mình còn khá hơn nhiều đồng nghiệp, không phải thuê nhà, con cái cũng lớn nên vẫn bám trụ được”, chị Minh chia sẻ thêm.
Lớn tuổi, khó xin việc khác cũng là lý do chị Phạm Thị Nga - công nhân 1 công ty may tại đường Chiến Thắng (Hà Đông, Hà Nội) - chần chừ đổi việc.
Chị Nga sinh năm 1982, làm việc tại công ty may đã 19 năm. Theo chị Nga, từ năm 2015 về trước, đơn hàng nhiều nên thu nhập của công nhân, lao động rất khá, ngoài lương cơ bản còn có lương tăng ca, ăn theo sản phẩm. Sau đó, công ty giảm đơn hàng, thu nhập của chị Nga từ khoảng 13 triệu đồng/tháng, nay chỉ được khoảng 7.5 triệu đồng/tháng.
“Tôi cũng muốn chuyển việc nhưng xin mấy chỗ họ đều ngại lao động nữ ngoài 40 tuổi, chưa kể nếu được nhận thì cũng đi làm xa thêm hàng chục cây số so với bây giờ. Nâng lên đặt xuống tôi lại tặc lưỡi làm tiếp ở đây”, chị Nga nói.
Ít cơ hội tăng thu nhập cho lao động phổ thông
Đánh giá về triển vọng của thị trường lao động năm 2025, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) nhận định, thị trường lao động sẽ có sự khởi sắc do kinh tế phát triển, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tăng lên. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng theo.
"Năm 2025 có nhiều cơ hội việc làm nhưng ở nhóm đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Lao động muốn có cơ hội việc làm phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, phải có tay nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật…", bà Hương nói.
Trao đổi với PV Lao Động ngày 9.2, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nêu quan điểm, năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội để thị trường lao động tiếp tục phát triển tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm và thu hút nhiều lao động, trong đó các ngành liên quan đến cơ sở hạng tầng, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghệ AI, chuyển đổi số, robot, bảo mật thông tin và an ninh mạng, kế toán, các ngành dịch vụ, bảo trì, vận hành máy móc...
Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra các thách thức về cung - cầu lao động, nhất là lao động có trình độ cao, các chuyên gia, các lĩnh vực mới. “Vấn đề đặt ra đối với chúng ta là cần có những giải pháp về nhân lực, có phương án cụ thể để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu mới, công việc mới; có phương án để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, nhất là công tác dự báo trung và ngắn hạn; tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức có hiệu quả các sàn giao dịch việc làm theo thời gian, ngành nghề, lĩnh vực, ở từng địa phương và toàn quốc”, ông Lê Quang Trung nói.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-nu-lon-tuoi-khong-dam-nhay-viec-du-luong-thap-1460848.ldo