Ngày 19.12, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - chủ trì Hội thảo khoa học “Xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện 19 Công đoàn ngành Trung ương và một số LĐLĐ tỉnh, thành phía Bắc.
Khai mạc hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nhấn mạnh, văn hóa công nhân đang là một khoảng trống về học thuật, trong khi đời sống văn hóa công nhân đứng trước nhiều thách thức. Một bộ phận không nhỏ công nhân không có điều kiện thụ hưởng các giá trị văn hóa và càng không có cơ hội sáng tạo các giá trị văn hóa.
Nhiều vấn đề đặt ra trong văn hóa lao động, sản xuất; văn hóa giao tiếp, ứng xử; văn hóa giải trí; văn hóa gia đình và cộng đồng trong công nhân. Hội thảo hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn đang nỗ lực xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu và cán bộ công đoàn cùng bàn thảo, mổ xẻ để làm rõ khái niệm văn hóa công nhân, các yếu tố tác động, các bộ phận cấu thành, ảnh hưởng - tác động của văn hóa công nhân đến văn hóa doanh nghiệp, đến sự phát triển của doanh nghiệp; thực trạng đời sống văn hóa công nhân; các mô hình, cách làm hay trong thực tiễn và các đề xuất, kiến nghị.
Phó Chủ tịch bày tỏ tin tưởng thành công của hội thảo sẽ cung cấp thêm luận cứ trong việc xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa trong công nhân, đóng góp cho việc hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng và tổng kết lý luận 40 năm đổi mới của Đảng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, cán bộ Công đoàn trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng, những thành tựu và hạn chế trong việc xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam hiện nay; phân tích và lãm rõ những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đối với văn hóa công nhân Việt Nam; các giải pháp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đề xuất các mô hình, phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công nhân và phương pháp hoạt động của tổ chức công đoàn phù hợp với đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp. Từ đó, có những đề xuất về chính sách, giải pháp để tạo môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định và đời sống văn hóa tinh thần phong phú hơn cho công nhân, người lao động.
Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - khẳng định, khi nói đến văn hóa của công nhân, bên cạnh các khía cạnh quan trọng như việc làm, mức thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân cũng là một khía cạnh quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân.
Vì vậy, trong xây dựng văn hóa công nhân bao hàm ý kiến tạo các khía cạnh của đời sống văn hóa của công nhân như văn hóa tinh thần với các hoạt động cụ thể, trong đó, công nhân tham gia, tiếp nhận các quy tắc chung của doanh nghiệp, từ đó, tương tác, thực hành và kiến tạo nên chính văn hóa của công nhân, văn hóa của doanh nghiệp.
Các hoạt động đó bao gồm: Văn hóa lao động, sản xuất, Văn hóa giao tiếp, ứng xử, Văn hóa giải trí, Văn hóa gia đình và cộng đồng. Đây vừa là những thành tố văn hóa quan trọng bao trùm lên đời sống của công nhân, vừa là yếu tố quan trọng làm nên vị thế, chất lượng cuộc sống của công nhân Việt Nam hiện nay.
Từ thực tế, ông Ngô Thế Anh - Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa - giới thiệu về mô hình “Góc văn hóa công nhân” - điểm nhấn trong quá trình hoạt động và phát triển của Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện và nhân rộng, hiện nay, mô hình “Góc văn hóa công nhân” đã có mặt tại 7 doanh nghiệp thuộc Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa.
Quá trình xây dựng được doanh nghiệp ủng hộ cả về cơ sở vật chất và kinh phí. Người lao động rất phấn khởi khi doanh nghiệp đã giành một khu vực riêng cho họ được hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần...