Nâng cao cảnh giác cho công nhân trước các tổ chức giả danh công đoàn
Từ phản ánh của người dân và qua tìm hiểu tại một số khu nhà trọ công nhân xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai để thực hiện phóng sự dài kỳ “Thật – giả chức đại diện người lao động”, Báo Sài Gòn Giải phóng đã ghi nhận được nhiều hoạt động của các đối tượng, hội, nhóm núp bóng danh nghĩa “đại diện người lao động” với mục đích đáng ngờ. Qua đó cho thấy sự cần thiết phải nhận dạng, nhận diện những tổ chức giả danh công đoàn này để có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Ảnh: Minh họa
Để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia. Khoản 2, Điều 170 quy định: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của bộ luật này”. Đây là một vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ trong pháp luật lao động Việt Nam.
Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp đứng ra thành lập “tổ chức đại diện người lao động” nhằm biến tướng thành các tổ chức “nghiệp đoàn độc lập” tại Việt Nam; từng bước tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ…
Từ phản ánh của người dân và qua tìm hiểu tại một số khu nhà trọ công nhân xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai để thực hiện phóng sự dài kỳ “Thật – giả chức đại diện người lao động”, Báo Sài Gòn Giải phóng đã ghi nhận được nhiều hoạt động của các đối tượng, hội, nhóm núp bóng danh nghĩa “đại diện người lao động” với mục đích đáng ngờ. Qua đó cho thấy sự cần thiết phải nhận dạng, nhận diện những tổ chức giả danh công đoàn này để có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Đặc điểm nhận diện các tổ chức bất hợp pháp
Một là, các tổ chức giả danh này thường sử dụng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền: Hiện nay, có nhiều hội, nhóm, tổ chức bất hợp pháp được thành lập trên mạng xã hội với những tên gọi như “Công đoàn độc lập”, “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội bảo vệ người lao động Việt Nam”… thường xuyên đăng tải những thông tin thiếu tính xác thực về chế độ, điều kiện làm việc của người lao động và chia sẻ nội dung kích động công nhân ngừng việc tập thể.
Hai là, các tổ chức giả danh này thường đưa ra những những cam kết hấp dẫn nhưng không thực hiện, như là hứa hẹn hỗ trợ việc làm hoặc giải quyết bức xúc lao động nhưng không mang lại lợi ích thực tế.
Ba là, không có trụ sở cố định nên các tổ chức này thường di động, hoạt động tại các khu nhà trọ hoặc khu vực ngoài công ty, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đồng thời, không đăng ký hoạt động hợp pháp và không tuân thủ quy định pháp luật.
Bốn là, sử dụng chiêu trò kích động, xuyên tạc trong nội bộ công nhân. Các tổ chức giả danh thường xuyên truyền bá các tư tưởng cực đoan, kêu gọi đòi hỏi các yêu sách phi lý; kích động công nhân khiếu kiện, đình công trái pháp luật để gây áp lực lên doanh nghiệp; tạo ra sự chia rẽ giữa công nhân với tổ chức Công đoàn Việt Nam, khiến công nhân mất niềm tin vào đại diện hợp pháp.
Gợi ý một số biện pháp phòng ngừa
Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội về Công đoàn Việt Nam và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, giúp các đối tượng tuyên truyền hiểu biết sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ, truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin trên mạng xã hội để chống lại các luận điệu xuyên tạc.
Thứ hai, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phép thành lập, vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới. Công đoàn phải thực sự làm mới mình để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam phải tiến hành đồng bộ, sâu rộng, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với Công đoàn.
Thứ ba, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp: Các cấp ủy lãnh đạo việc nắm tình hình công nhân, lao động trên địa bàn; lãnh đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; lãnh đạo để các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đủ điều kiện được thành lập và hoạt động tuân thủ pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt quản lý các khu công nghiệp và nhà trọ công nhân. Cơ quan chức năng đấu tranh, vô hiệu hóa hoạt động của những tổ chức nhân danh đại diện người lao động đã thành lập trái pháp luật ở nước ta; thận trọng trong việc tiếp nhận một số dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ. Xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả tại các khu nhà trọ, nơi các tổ chức giả danh thường hoạt động. Xử lý nghiêm các vi phạm như áp dụng biện pháp pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân kích động, gây rối.
Tham khảo:
(1) https://www.sggp.org.vn/that-gia-to-chuc-dai-dien-nguoi-lao-dong-bai-1-nup-bong-de-kich-dong-post760389.html
(2) https://www.sggp.org.vn/that-gia-to-chuc-dai-dien-nguoi-lao-dong-bai-2-nhan-dien-to-chuc-bat-hop-phap-post760576.html
NGỌC AN