Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn cần giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện
Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV có nhiều nội dung mới, lớn, chưa có tiền lệ, kiên định quan điểm về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công tác công đoàn.
Mối quan hệ mật thiết giữa giai cấp công nhân - tổ chức công đoàn - đảng cộng sản đã được chủ nghĩa Mác - Lê-nin vạch rõ. Theo đó, “Công đoàn tạo ra mối liên hệ giữa đội tiên phong với quần chúng” (1); Công đoàn là “… “sợi dây chuyền” nối liền đội tiền phong với quần chúng của giai cấp tiên tiến và nối liền đội ấy với quần chúng lao động” (2).
Chủ nghĩa Mác – Lê-nin khẳng định: “Giai cấp vô sản ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường công đoàn, bằng sự tác động qua lại giữa công đoàn và đảng của giai cấp công nhân, chứ không thể bằng con đường nào khác” (3)
Năm 1927, trong cuốn Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới” (4)
Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước, Đảng luôn quan tâm xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn song hành, có quan hệ gắn bó mật thiết, không thể tách rời. Sự lãnh đạo của Đảng là một trong những điều kiện tiên quyết công đoàn thực hiện tốt các vai trò, chức năng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, một lần nữa Đảng ta chỉ rõ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay” (5).
Quan điểm nêu trên đặt ra những yêu cầu mới đối với tổ chức công đoàn, trước hết là cần đổi mới tổ chức và hoạt động của bản thân Công đoàn để thực hiện tốt nhất vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình. Trong bối cảnh các loại hình doanh nghiệp ngày càng phong phú, đa dạng, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, đội ngũ công nhân và người lao động ngày càng đông đảo, tổ chức công đoàn phải tích cực, chủ động tự đổi mới mới có thể đáp ứng những yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải đối mặt với áp lực lớn từ các cuộc “cách mạng màu”, cổ súy cho việc thành lập cho các tổ chức “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” hoặc lợi dụng ưu thế về quy định và quyền tiếng nói trong lĩnh vực lao động để gây sức ép lên Chính phủ, bịa đặt và rêu rao rằng Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn về quyền lao động, không có công đoàn độc lập thực sự để phản đối việc công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường (6).
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” khẳng định quan điểm xuyên suốt: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với thể chế chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ, rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động”.
Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để tổ chức Công đoàn phát huy được vai trò của mình, cần có sự đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Công đoàn. Các cấp ủy Đảng cần làm cho cán bộ, đảng viên thấy được vai trò quan trọng của công đoàn; đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo tuyển chọn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn; thực hiện có nền nếp chế độ làm việc với công đoàn và kiểm tra công tác Công đoàn; Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và phong cách lãnh đạo khoa học của Đảng. Tăng cường, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong tình hình mới; nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao trách nhiệm của đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ chủ chốt trong các tổ chức Công đoàn. Để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn cần đổi mới cả hình thức và nội dung lãnh đạo. Đảng định hướng và lãnh đạo hoạt động công đoàn thông qua nghị quyết. Vì thế sự đổi mới trước hết cần thể hiện ngay trong nội dung Nghị quyết. Các nội dung này cần bám sát thực tiễn cuộc sống, thực tiễn hoạt động công đoàn và nhu cầu thiết yếu của người lao động. Các cấp ủy Đảng cần có liên hệ chặt chẽ với tổ chức Công đoàn thông qua tổ chức Công đoàn để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề đặt ra trước bản thân công nhân và quần chúng lao động. Đảng quan tâm lãnh đạo việc luật hóa quyền của người lao động, của tổ chức Công đoàn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của mọi loại hình doanh nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế với những nội dung và hình thức thích hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp. Sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn cần phải tôn trọng tính tự chủ bình đẳng xã hội của Công doàn. Đặc biệt, cần chú trọng nhiều hơn sự đối thoại bình đẳng, cộng đồng trách nhiệm giữa Đảng, Nhà nước và Công đoàn và coi trọng hoạt động quản lý của Nhà nước đối với Công đoàn. Đảng lãnh đạo thông qua hình thức giới thiệu đảng viên ưu tú để quần chúng, đoàn viên công đoàn qua Đại hội Công đoàn lựa chọn, bầu vào các cương vị lãnh đạo của tổ chức Công đoàn các cấp. 19 Sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn được đổi mới theo hướng dân chủ hóa, khoa học hóa, hiện đại hóa. Đảnh lãnh đạo Công đoàn bằng đường lối, chủ trương, chính sách, bằng sự gương mẫu của những đảng viên có năng lực, phẩm chất, có tín nhiệm và có kinh nghiệm hoạt động trong phong trào công nhân và công đoàn, bằng sự định hướng đúng đắn cho hoạt động của Công đoàn. Ở những cơ sở sản xuất chưa có tổ chức cơ sở Đảng, cần bồi dưỡng, kết nạp công nhân vào Đảng, tiến tới thành lập chi bộ để lãnh đạo đội ngũ công nhân, Công đoàn trong doanh nghiệp. Trong quá trình lãnh đạo, để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn xã hội, các cấp ủy Đảng tôn trọng tính độc lập tương đối của tổ chức Công đoàn. Song tính độc lập tương đối của Công đoàn chỉ thuộc về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và tổ chức còn về chính trị, tư tưởng thì Công đoàn phải đặt dưới sự lãnh đạo, định hướng của Đảng.
Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã thể chế hoá đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn, đảm bảo để công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
---------------
Tài liệu tham khảo
([1]) V.I. Lê nin, Toàn tập, Sđd, t. 42, tr. 250
(2) V.I. Lê nin, Toàn tập, Sđd, t. 42, tr. 251
(3) V.I. Lê nin, Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 42
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 330
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.166.
(6) https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/09/kien-tri-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-su-nghiep-doi-moi-phong-trao-cong-nhan-va-cong-tac-cong-doan/