Doanh nghiệp ở Bình Dương phải kê bàn ra ngoài đường để tuyển dụng trở nên quen thuộc những năm gần đây. Ảnh: Đình Trọng
Cần tuyển 70.000 - 80.000 lao động
Gần đây, thị trường lao động tỉnh Bình Dương có dấu hiệu khởi sắc. Các ngành nghề như dệt may, gỗ, da giày… ký kết nhiều đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất, tuyển dụng lao động trở lại. Cùng với đó, tỉnh Bình Dương tiếp tục thu hút hơn hàng chục dự án FDI với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 2 tỉ USD. Nhiều dự án triển khai đầu tư ngay, xây dựng nhà máy tuyển lao động để sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng về Bình Dương xây dựng nhà máy sản xuất...
Những yếu tố trên thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng lao động ở Bình Dương tăng cao. Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, gần 7.300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng (tăng 151% so với cùng kỳ năm 2023), với số lượng lên tới 80.000 lao động (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023).
Qua đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động sớm. Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Dương - cho biết, qua rà soát, dự báo trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ cần tuyển dụng từ 70.000-80.000 lao động trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề chiếm 75%.
Nguồn lực lao động chủ yếu bổ sung số lao động hao hụt sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, tình trạng người lao động “nhảy việc”, chuyển đổi việc làm tìm kiếm môi trường, mức lương mới cũng sẽ làm cho thị trường tuyển dụng sinh động hơn ở cuối Quý I/2025. Những vị trí việc làm dành cho lao động có trình độ chuyên môn và kỹ thuật như: Kế hoạch, QA, QC, bảo trì điện - cơ, kế toán, nhân sự, nhân viên văn phòng, vận hành máy...
Lo lắng khó tuyển lao động
Nhu cầu tuyển dụng lao động tại Bình Dương đang rất lớn, tuy nhiên lực lượng lao động tìm việc lại ít. Vì vậy nguồn lao động khan hiếm hơn, doanh nghiệp tuyển dụng lao động khó khăn hơn.
Theo ghi nhận, để có nguồn lao động sản xuất, từ trước Tết Ất Tỵ, các doanh nghiệp ở Bình Dương đã lên kế hoạch tuyển dụng. Các doanh nghiệp treo bảng tuyển lao động từ trước Tết. Hiện đăng thông tin tuyển dụng trên trang thông tin doanh nghiệp; liên hệ các cơ quan chức năng để được hỗ trợ tìm nguồn lao động.
Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam có 2 nhà máy tại Bình Dương cần tuyển dụng thêm hàng trăm lao động. Công ty treo bảng tuyển dụng thường xuyên ở cổng doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch CĐCS công ty - cho biết, 2 nhà máy đang có nhu cầu tuyển dụng 300 lao động, việc tuyển dụng diễn ra thường xuyên.
Để có đủ lao động sản xuất, các công ty phải hợp tác với đơn vị cung ứng, nhưng cũng khó tìm ra nguồn lao động. Doanh nghiệp phải lên cả các tỉnh Tây Nguyên, ra miền Bắc để tìm nguồn lao động, nhưng tuyển được rất ít.
Ngay cả các doanh nghiệp cung ứng lao động cũng khó tìm được công nhân để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất. Ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Công ty TNHH cung ứng lao động Đức Lương - chia sẻ: “Hiện sản xuất công nghiệp ở Bình Dương đang phục hồi tích cực. Nhưng các doanh nghiệp sản xuất tuyển dụng lao động khá vất vả. Các công ty cung ứng lao động hiện nay cũng khó tuyển được công nhân. Do mới đầu năm nên nguồn lao động trở lại Bình Dương chưa nhiều. Tôi lo lắng sẽ khó tuyển lao động như năm trước”.
Xây dựng app và web “Việc làm phía Nam”
Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kết nối cho người lao động tìm kiếm việc làm, trong những tháng đầu năm 2025, sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương tăng cường tiếp nhận thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua các kênh truyền thông và doanh nghiệp... “Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kết nối việc làm phù hợp theo nhu cầu tìm việc. Tiếp tục mở các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm việc”, ông Phạm Văn Tuyên cho biết.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, hiện nay Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương đang phối hợp với các tỉnh để xây dựng app và web app “Việc làm phía Nam”. Việc này nhằm kết nối việc làm cho cả khu vực, giúp thị trường lao động khu vực được liên thông linh hoạt và hiệu quả hơn.