Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Luật Công đoàn 2012 quy định cho công đoàn được quyền “tham gia, phối hợp” với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Từ thực tiễn thi hành cho thấy, quy định này là chưa thể hiện đầy đủ vai trò, tư cách quyền của công đoàn trong hoạt động giám sát; chưa phản ánh đầy đủ việc thực hiện giám sát có tính xã hội của công đoàn.
Ông Lê Đình Quảng phân tích, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ngoài quy định tại Điều 9, Điều 10 Hiến pháp 2013, có 7 Luật quy định cụ thể về quyền giám sát của tổ chức Công đoàn; ngoài ra, còn có các luật chuyên ngành khác.
Đặc biệt, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định “các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát” nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền, trách nhiệm của tổ chức mình “theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định của pháp luật”.
Khoản 4 Điều 88 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam các cấp: “Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của đoàn viên công đoàn”.
Bên cạnh đó, Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội quy định cho các đoàn thể chính trị - xã hội được “Chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Với tinh thần đó, Luật Công đoàn 2024 đã quy định riêng một điều (Điều 16) về giám sát của Công đoàn, trong đó xác định rõ “Giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và hoạt động chủ trì giám sát”.
Đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, phạm vi, quyền và trách nhiệm của Công đoàn khi thực hiện hoạt động chủ trì giám sát.
Việc quy định cụ thể hơn Công đoàn có quyền chủ động thực hiện giám sát góp phần phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/quyen-chu-tri-giam-sat-mang-tinh-xa-hoi-cua-cong-doan-1458177.ldo