Ngày 5.2, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Trình bày những nội dung mới của Luật Công đoàn 2024, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc sửa Luật Công đoàn đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ các hiệp định, công ước quốc tế; chọn lọc kinh nghiệm quốc tế cũng như giải quyết bất cập, vướng mắc sau hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn 2012.
Luật Công đoàn 2024 gồm 6 chương, 37 Điều (tăng 4 Điều so với Luật Công đoàn 2012), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2025.
Ông Ngọ Duy Hiểu nêu, Luật Công đoàn 2024 mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cho người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động, thu hút thêm những đối tượng mới như lái xe công nghệ vào tổ chức công đoàn và có chính sách chăm lo cho họ.
Luật Công đoàn 2012 quy định, chỉ những người lao động “làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Luật Công đoàn 2024 được sửa đổi theo hướng mở rộng cho cả những người “làm việc không có quan hệ lao động” có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn bằng việc quy định “Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” tại Khoản 1 Điều 5.
Đồng thời, bổ sung và luật hóa khái niệm “nghiệp đoàn cơ sở”. Theo đó, nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người làm việc không có quan hệ lao động, cùng ngành, cùng nghề hoặc những người lao động đặc thù khác.
Như vậy, Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, tương thích, đồng bộ với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của một số đạo luật mới được ban hành như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động…, phù hợp định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đoàn viên công đoàn trong tình hình mới với phương châm “ở đâu có người lao động, ở đó có Công đoàn”.
Luật Công đoàn 2024 cũng mở rộng quyền gia nhập, hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài khi làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên và quy định cụ thể tại điều lệ Công đoàn Việt Nam. Bổ sung quyền của đoàn viên như được hưởng chính sách thuê nhà xã hội của Tổng LĐLĐVN hay được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn.
Quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng LĐLĐVN thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn...
https://laodong.vn/cong-doan/thu-hut-them-doi-tuong-moi-vao-to-chuc-cong-doan-1458813.ldo