Thị trường lao động biến động sau Tết
Theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐTBXH, tình hình lao động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ghi nhận nhu cầu tuyển dụng thời vụ tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết.
Tại TP Hồ Chí Minh, ước tính nhu cầu tuyển dụng lao động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là 28.525 vị trí làm việc và tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm gần 70%).
Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương... có hàng nghìn lao động đăng ký làm việc xuyên Tết.
Bộ LĐTBXH dự báo sau Tết, thị trường lao động sẽ gặp biến động do một số lực lượng lao động có thể không quay lại làm việc (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I/2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm...
Xây dựng giải pháp giữ chân lao động
Trao đổi với PV Lao Động ngày 4.2, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - cho biết, vấn đề việc làm, thu nhập và phúc lợi xã hội của người lao động được các doanh nghiệp ngày càng quan tâm, tạo sự gắn bó, thiết lập mối quan hệ bền vững lâu dài. Đây cũng là điều mà người lao động luôn mong muốn.
Cùng với các hoạt động có ý nghĩa trong dịp Tết như đảm bảo thưởng Tết và các chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thiết thực đối với người lao động để đón Xuân Ất Tỵ vừa qua; những năm vừa qua, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để tạo việc làm và thu nhập ổn định, giữ chân người lao động, tỉ lệ người lao động quay lại làm việc sau Tết ngày càng cao (trên 95%), góp phần ổn định thị trường lao động. Số người không trở lại nơi làm việc do tìm được việc làm mới tốt hơn, phù hợp hơn, hoặc tham gia các khóa đào tạo hay khởi nghiệp tự tạo việc làm.
“Thị trường lao động sau Tết Nguyên đán 2025 có biến động do nhu cầu tuyển mới của các doanh nghiệp tăng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh, thực hiện các đơn hàng đã ký kết, thực hiện kế hoạch của năm mới…”, ông Lê Quang Trung nhận định.
Nhận định về biến động của thị trường lao động sau Tết, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) khẳng định giá trị và tính bền vững của các giải pháp giữ chân người lao động.
Theo bà Lan Hương, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I/2025 tăng cao là điều có thể dự đoán. Trong đó, nhu cầu cao xảy ra ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Bà Lan Hương đánh giá cao nỗ lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong chương trình “Chuyến tàu Công đoàn-Xuân 2025”, chuyến bay Công đoàn... đã hỗ trợ hàng nghìn công nhân, lao động vé tàu khứ hồi từ các tỉnh miền Nam ra miền Bắc. Nỗ lực này cũng góp phần không nhỏ cho việc cân đối cung - cầu lao động sau Tết.
“Cơ quan hữu quan cần tập trung hơn vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động-việc làm trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung-cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương”, bà Lan Hương nêu quan điểm.
https://laodong.vn/cong-doan/nhu-cau-tuyen-dung-tang-cao-thi-truong-lao-dong-soi-dong-sau-tet-1459147.ldo