Luật vừa được Quốc hội thông qua quy định cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, cán bộ, công chức được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ảnh: Phạm Đông
Chiều 26.6, với 445/445 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự án luật.
Về đối tượng áp dụng, ông Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý của việc bổ sung đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ.
Bởi khoản 2 Điều 89 của Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định "lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới".
Với nội dung này, ông Lê Tấn Tới cho hay, đề án tổng thể về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ đã được Bộ Chính trị thông qua tháng 11.2012, đã có nội dung xem xét việc cử cán bộ dân sự tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.
Thực tiễn hiện nay, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Bangladesh, Đức,… đã cử nhân viên dân sự của Chính phủ tham gia các vị trí chuyên gia y tế, chuyên gia pháp lý, chánh văn phòng, giám đốc hỗ trợ thực địa.
Do đó, việc quy định đối tượng dân sự vào dự thảo luật làm cơ sở pháp lý để Việt Nam triển khai lực lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Điều 2 của luật được Quốc hội thông qua đã quy định đối tượng áp dụng gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Đối tượng khác là cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Về xây dựng và chỉ đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ, nhiều ý kiến đề nghị rà soát các quy định về tuyển chọn, để tránh chồng chéo về nội dung.
Một số ý kiến đề nghị giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ, ban, ngành, địa phương để chỉ đạo và quản lý điều hành lực lượng dân sự; đề nghị quy định rõ tại mỗi Phái bộ "có một Chỉ huy trưởng"; quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại Phái bộ.
Về nội dung này, ông Lê Tấn Tới cho biết đối tượng dân sự chỉ tham gia theo hình thức cá nhân, việc tuyển chọn, cử tham gia và quản lý sẽ do cơ quan chủ quản thực hiện.
Nếu giao một Bộ quản lý lực lượng này sẽ không phù hợp với Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Về Chỉ huy lực lượng Việt Nam tại Phái bộ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định "tại mỗi Phái bộ có một Chỉ huy trưởng".
Đồng thời giao Chính phủ quy định thẩm quyền bổ nhiệm Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại Phái bộ như Điều 19 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.