Hà Nội dự kiến kiểm chuẩn khí thải xe máy từ 1.7.2027
Hà Nội - Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ ban hành tiếp quy chuẩn về khí thải, trong đó có lộ trình kiểm chuẩn các phương tiện từ mô tô, xe máy.
Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết Hà Nội sẽ phải kiểm chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy từ 1.7.2027. Ảnh: VGP
Chiều 15.7, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô".
Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có giao rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho tất cả các bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc, trong đó tập trung vào các đô thị lớn, đặc biệt là TP Hà Nội.
Với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, được giao trong Chỉ thị này có 5 nhóm nhiệm vụ lớn. Cục Môi trường đang tham mưu cho lãnh đạo bộ để xây dựng triển khai ngay trong tuần tới.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Liên quan đến mô hình chính quyền 2 cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã tham mưu Chính phủ sửa đổi một số công việc phân cấp, phân quyền cho địa phương để triển khai những nhiệm vụ này.
Theo ông Hoàng Văn Thức, chúng ta phải rà soát lại hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.
Ông lấy ví dụ như quy chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành mà bộ đã ban hành, tới đây bộ sẽ ban hành tiếp quy chuẩn về khí thải về mô tô và xe gắn máy, trong đó có quy định lộ trình kiểm chuẩn các phương tiện từ mô tô, xe máy.
Ví dụ như Hà Nội sẽ phải kiểm chuẩn xe mô tô, xe gắn máy từ 1.7.2027. Để đạt được lộ trình đó thì các địa phương như TP Hà Nội phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất: điểm kiểm chuẩn khí thải phương tiện hay các cơ chế chính sách khác, cũng tham mưu phối hợp cùng Bộ Tài chính thu hút nguồn lực đầu tư.
"Chúng ta chuyển đổi xanh phải có cơ chế hỗ trợ chính sách, ngân sách từ Trung ương đến địa phương", ông Hoàng Văn Thức nói.
Hay trong việc kiểm soát xử phạt vi phạm hành chính thì Bộ cũng đang sửa đổi Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nhóm giải pháp tiếp theo là Thủ tướng Chính phủ giao cho bộ tiếp tục phải đầu tư, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường mạng lưới về quan trắc để chúng ta có số liệu dày đặc, đảm bảo thông tin phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương.
Đặc biệt, đây là các thông tin về dữ liệu quan trắc, nhất là thông tin về chất lượng không khí phải được chia sẻ để người dân nắm được hàng ngày.
Hiện nay, Bộ đang xây dựng một dự báo, cảnh báo tiến tới có phát bản tin giống bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, đưa ra các chỉ số từng vùng, đặc biệt là các thông số ô nhiễm
Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, hoàn thiện giai đoạn cuối trình Thủ tướng Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030 trong đó có đề xuất các chỉ tiêu. Ví dụ như đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030 với Thủ đô Hà Nội phải giảm bụi mịn xuống 20% so với năm 2024.
Theo đánh giá trung bình năm về bụi mịn tại Hà Nội là 47 µg/m³ thì trong 5 năm tới, phải giảm 20%. Muốn giảm được bụi mịn thì đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cộng đồng người dân doanh nghiệp chung tay cùng một loạt giải pháp đã nêu.
https://laodong.vn/thoi-su/ha-noi-du-kien-kiem-chuan-khi-thai-xe-may-tu-172027-1540711.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)