Mức trợ cấp thất nghiệp dưới 3 triệu đồng khó đảm bảo cuộc sống của người lao động. Ảnh: Minh Hương.
Chị Nguyễn Thị Phượng (28 tuổi, Nam Định) đã quyết định xin nghỉ việc để chăm con ốm. Chị Phượng tính toán sắp tới sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên với số tiền 2,97 triệu đồng. Theo chị Phượng, nếu chỉ dựa vào số tiền này, sẽ vô cùng áp lực.
“Bây giờ mọi thứ đều đắt đỏ. Số tiền gần 3 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp chỉ đủ chi tiền sữa, quần áo, học phí cho các con. Nếu thiếu, tôi phải đi vay hoặc sử dụng gần hết lương của chồng” - chị Phượng nói.
Chị Phượng cho biết, riêng tiền học hè, ăn uống của 2 con ở lớp đã hơn 3 triệu đồng/tháng. Tiền điện nước, sinh hoạt cá nhân của các thành viên trong gia đình cũng phải 2 triệu đồng/tháng trong khi lương của chồng chỉ hơn 7 triệu đồng.
Với số tiền trợ cấp gần 3 triệu đồng, chị Phượng chẳng dám nghĩ đến các nhu cầu nghỉ ngơi hay học nghề theo diện hưởng trợ cấp.
“Nếu tôi học nghề bây giờ chỉ được hỗ trợ 70%, các ngành nghề hỗ trợ 100% thì lại không phù hợp. Số tiền 3 triệu đồng chỉ đủ sinh hoạt bình thường chứ không thể đủ để học thêm nghề trong mấy tháng thất nghiệp” - chị Phượng nói.
Để có thêm thu nhập trong lúc nghỉ việc chăm con, chị Phượng vẫn nhận may gia công quần áo một số công đoạn tại nhà. Chị Phượng mong muốn sớm điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức lương tối thiểu vùng để sống thoải mái hơn khi phải nghỉ việc.
“Tôi nghĩ vẫn giữ nguyên mức hưởng 60% hiện tại nhưng ít nhất phải hưởng bằng lương tối thiểu vùng. Như thế mới giúp người lao động an tâm, bởi mức này có thể coi là thấp nhất để đảm bảo cuộc sống cơ bản” - chị Phượng đề xuất.
Nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên 2.878.000 đồng, anh Nguyễn Văn Chinh cho biết, phải tính toán cẩn thận để không bị hao hụt. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ đảm bảo cuộc sống cho riêng bản thân anh.
“Chi phí ăn uống bây giờ đơn giản cũng 1,5 triệu đồng/người. Cộng thêm điện, nước, quần áo, sinh hoạt cá nhân khoảng hơn 1 triệu đồng nữa. Cầm gần 3 triệu trong tay nhưng tôi chẳng giúp ích được gì cho gia đình” - anh Chinh nói.
Theo anh, với những gia đình cả vợ và chồng đều thất nghiệp, mức hưởng này thực sự sẽ khiến cuộc sống thêm áp lực.
Nghĩ về mức lương đóng bảo hiểm hàng tháng gần 4,8 triệu đồng, anh Chinh càng cảm thấy thiệt thòi. Theo anh Chinh, mức hưởng phải bằng mức đóng hoặc tối thiểu 75% mới đáp ứng được cuộc sống cho người lao động khi mất việc.
Với những người mới đi làm, theo anh Chinh, đóng bảo hiểm hơn 4 triệu đồng đến khi hưởng thất nghiệp chỉ được hơn 2,3 triệu đồng chắc chắn phải khắt khe chi tiêu hoặc phải làm thêm mới đảm bảo được cuộc sống.
Theo Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp.
Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.
Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng, mức thấp nhất theo quy định của pháp luật.
https://laodong.vn/cong-doan/muc-tro-cap-that-nghiep-duoi-3-trieu-dong-kho-dam-bao-cuoc-song-1512674.ldo