Thông tin có thể được hỗ trợ phí như luồng gió mát đối với hàng nghìn gia đình công nhân xa quê. Ảnh: Minh Hương
Trước khi vào làm việc, chị phải đưa con gái 3 tuổi đến lớp tại một trường mầm non tư thục gần khu trọ.
“Trường tư tuy tốn kém nhưng giờ đón trả linh hoạt, phù hợp với công việc theo ca của vợ chồng tôi nên chúng tôi quyết định gửi con ở đây" - chị Nhàn chia sẻ.
Tiền học và ăn bán trú cho con gái mỗi tháng dao động khoảng 2,3 triệu đồng, một khoản chi không hề nhỏ đối với gia đình công nhân.
Chồng chị cũng là công nhân tại khu công nghiệp, tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 16-18 triệu đồng. Gia đình bốn người thuê trọ hai phòng nhỏ liền nhau tại thôn Bầu, xã Kim Chung, một phòng làm nơi ngủ nghỉ, phòng còn lại để nấu ăn và chứa đồ.
“Cuộc sống ở Hà Nội đắt đỏ, mọi khoản chi tiêu đều phải tính toán kỹ. Học phí cho con tuy cố gắng vẫn xoay xở được, nhưng nếu được hỗ trợ thì quá tốt, đỡ đi phần nào gánh nặng để còn lo cho tương lai của các cháu” - chị Nhàn bộc bạch.
Mới đây, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ mở rộng chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở dân lập, tư thục, trong đó có cả trẻ em mầm non.
Chính sách này dự kiến áp dụng từ năm học 2025-2026, với mức hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Thông tin này như luồng gió mát đối với hàng trăm nghìn gia đình công nhân đang sống và làm việc tại các khu công nghiệp lớn, nơi trường công lập luôn quá tải và quy định hộ khẩu khiến nhiều trẻ em khó tiếp cận được.
Chị Nguyễn Thị Nhung - công nhân đã gắn bó với Khu công nghiệp Thăng Long gần 16 năm. Chị Nhung có hai người con: một cháu học lớp 11, cháu còn lại học lớp 4.
Con đầu của chị từng học hệ công lập từ mầm non đến cấp hai. Tuy nhiên, đến cấp ba, quy định thay đổi, học sinh muốn thi vào trường công lập phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Dù con trai lớn của chị học khá, em vẫn không đủ điều kiện dự tuyển vào trường công lập.
Nhiều gia đình công nhân không có hộ khẩu ở Hà Nội nên khi con vào cấp 3 phải về quê hoặc học ở trường tư thục, dân lập. Ảnh: Minh Hương.
“Cháu buộc phải học trường dân lập, học phí cao hơn nhiều lần. Vợ chồng tôi vẫn cố gắng để con không bị thiệt thòi, nhưng thật sự rất áp lực” - chị Nhung tâm sự và cho biết, nếu được Nhà nước hỗ trợ một phần học phí, chúng tôi sẽ nhẹ gánh hơn rất nhiều.
Chị Nhung cho biết, tiền học của con trai cấp ba hiện nay dao động trên dưới 4 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể các khoản khác như đồng phục, tài liệu, ngoại khóa… Trong khi đó, thu nhập hai vợ chồng vẫn chủ yếu dựa vào đồng lương công nhân, không ổn định vào mùa ít đơn hàng.
“Công nhân xa quê chỉ mong có chính sách nào đó hỗ trợ thiết thực cho con cái được học hành đầy đủ, công bằng. Việc mở rộng hỗ trợ học phí cho trường tư, trường dân lập là một chính sách nhân văn, kịp thời với chúng tôi” - chị Nhung nói.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-co-con-hoc-truong-tu-trong-cho-chinh-sach-ho-tro-hoc-phi-1512227.ldo