Học sinh tham gia phiên hướng nghiệp, tư vấn học nghề tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi
Tham dự và trải nghiệm các hoạt động tại phiên tư vấn, hướng nghiệp do Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức ngày 11.5, em Chu Thị Minh Châu (18 tuổi, đến từ huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, ngoài việc tìm hiểu các thông tin việc làm tại phiên, em còn tham khảo thông tin về các trường có đào tạo ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
“Em là người thích đi và khám phá nhiều vùng miền trên khắp đất nước với mong muốn được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người hơn. Sau một vòng nghe tư vấn và tham quan gian hàng của các trường có đào tạo về du lịch và lữ hành, em vẫn băn khoăn việc xác định chính xác ngôi trường mình muốn theo học”, em Châu chia sẻ.
Đang là học sinh lớp 11, em Nguyễn Thị Thư (Trường THPT Trần Phú, Ba Vì, Hà Nội) đã chủ động đến phiên giao dịch việc làm ngày 17.5 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức để tìm hiểu, nghe tư vấn từ các nhà tuyển dụng.
“Trong tương lai, em có dự định thi đại học ngành quản trị kinh doanh hoặc marketing. Việc tham dự phiên cũng như lắng nghe tư vấn từ các doanh nghiệp giúp em thấy những vị trí việc làm lĩnh vực marketing khá thú vị. Tuy nhiên, em chưa xác định được sẽ theo học tại ngôi trường nào. Em sẽ phải tham khảo và tìm hiểu thêm thông tin, tư vấn từ gia đình, thầy cô…”, em Thư chia sẻ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, có 3 nhóm câu hỏi lớn từ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong quá trình tư vấn, hướng nghiệp: Lo ngại bị AI thay thế; băn khoăn nên học cấp bậc, ngành nghề, trường nào; không biết có nên tiếp tục việc học hay không.
"Nếu người trẻ không học gì thì sẽ lạc hậu và gần như bị triệt tiêu trong thời đại số. Việc học ngành gì, học ở đâu và như thế nào cần phù hợp với năng lực và hoàn cảnh cá nhân", ông Tuấn nói.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, nếu gia nhập thị trường lao động mà không có bằng cấp, tay nghề, người lao động sẽ đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
“Người lao động không có tay nghề, không học nghề sẽ khó tìm được việc làm ổn định và lâu dài, và thu nhập của họ cũng thấp hơn so với lao động có chuyên môn, trình độ. Chưa kể, trong bối cảnh hiện nay, người lao động không học nghề thì khó thoát thất nghiệp”, bà Hương khuyến cáo.
https://laodong.vn/cong-doan/3-lo-ngai-trong-huong-nghiep-hoc-nghe-1511746.ldo