Kết nạp mới hơn 19.00 đoàn viên công đoàn
Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20.6.2012 đã tạo nhiều chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ đối với tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai.
Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới của địa phương đã thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh… Các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng chục nghìn công nhân lao động. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn vận động, tập hợp phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Hoạt động của Công đoàn Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy Lào Cai, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Từ năm 2013 đến nay, đã có 201 CĐCS được thành lập, kết nạp mới 19.028 đoàn viên công đoàn.
Bên cạnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai Luật Công đoàn 2012, LĐLĐ tỉnh Lào Cai đã xây dựng quy chế phối hợp công tác với chính quyền, chuyên môn đồng cấp.
Định kỳ hằng năm, LĐLĐ tỉnh Lào Cai đều xây dựng kế hoạch và ký chương trình phối hợp với UBND tỉnh, Sở LĐTBXH, Bảo hiểm xã hội, Thanh tra, Tòa án, Sở NNPTNN, Sở Y tế, Công an tỉnh, Đài PT-TH tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Đảng ủy khối cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, các đoàn thể tỉnh và ký với 9 Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy.
Việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa công đoàn với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tạo được sự thống nhất cao trong việc xác định quan điểm nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, chuyên môn cùng với nhiệm vụ xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa công đoàn với chính quyền, chuyên môn.
“Hiện nay, LĐLĐ tỉnh Lào Cai đang duy trì hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật và có 15 tổ tư vấn pháp luật bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp, lưu động và bằng văn bản. Từ năm 2013 đến nay đã thực hiện tư vấn miễn phí cho 4.284 trường hợp đoàn viên, CNVCLĐ về pháp luật lao động, bảo hiểm, công đoàn và các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên” - ông Đặng Đình Chung - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lào Cai chia sẻ.
Những bất cập cần sửa đổi
Tuy nhiên theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Lào Cai, sau 12 năm triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Một số điều, khoản chung chung, chưa cụ thể, còn thiếu chế tài bảo đảm thực thi quyền của Công đoàn dẫn đến ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn như: Thời gian làm việc công đoàn của cán bộ công đoàn kiêm nhiệm tại CĐCS; quyền giám sát thực hiện pháp luật tại doanh nghiệp của Công đoàn...
Ngoài ra, những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền Công đoàn tại doanh nghiệp có sự khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn 2012. Do vậy, Luật Công đoàn 2012 (sửa đổi) cần được bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.
Từ thực tế trên, LĐLĐ tỉnh Lào Cai kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Về quyền giám sát của công đoàn, cần quy định “Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện”.
Về xử lý các hành vi vi phạm Luật Công đoàn, cần có những quy định pháp lý rõ ràng, các quy định xử lý hành chính cụ thể, có chế tài đủ mạnh, trách nhiệm xử phạt và mức phạt cụ thể, mức phạt nghiêm khắc đối với những hành vi của chủ doanh nghiệp trong việc cản trở, trù dập, gây khó khăn cho người lao động khi thành lập, gia nhập và đóng nộp kinh phí công đoàn 2%.