Phản bác luận điệu xuyên tạc quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP, ngày 08/10/2024 (Nghị định 126) về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
Nghị định 126 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2024, gồm 8 chương, 53 điều (tăng 11 điều) đã giải quyết được những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn khi thực hiện công tác quản lý nhà nước về hội, giúp công tác quản lý nhà nước về hội ngày càng hiệu quả hơn.
Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành, một số báo đài thiếu thiện chí ở nước ngoài, các trang mạng của những tổ chức, cá nhân chống phá như Đài Á Châu tự do RFA, VOA Tiếng Việt, Việt Tân... với thủ đoạn là thông tin một chiều, đăng bài, phỏng vấn những kẻ phản động trong và ngoài nước, đi từ thổi phồng, bôi đen đến xuyên tạc rằng Nghị định 126 “ngăn cản lập hội bởi nó đặt ra rất nhiều rào cản”, “gia tăng sự kiểm soát của nhà nước, hạn chế sự phát triển của các tổ chức xã hội độc lập và quyền tự do lập hội”...Đây là luận điệu cố tình bóp méo sự thật, chống phá Đảng, chính quyền, gây hiểu lầm, hồ nghi không đáng có trong nhân dân về việc bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền lập hội tại Việt Nam.
Thực tế, ở nước ta chưa hề có việc ngăn cản việc các cá nhân, tổ chức thành lập hội hay kiểm soát, hạn chế các hội ấy hoạt động, trừ phi các hội có vi phạm pháp luật. Quyền lập hội và quyền hội họp bắt đầu được Việt Nam chính thức ghi nhận từ Hiến pháp năm 1946. Tại thời điểm đó, khi mà các điều kiện về nhận thức và truyền tải thông tin còn rất hạn chế, thì việc quy định tại Điều 10 về quyền “tự do tổ chức và hội họp” là một minh chứng lớn cho các quyền dân chủ được xác lập trong nước.
Để cụ thể hóa quyền này, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập hội. Tuy còn rất sơ lược, nhưng Sắc lệnh là sự khởi đầu cụ thể hóa về quyền lập hội và quyền hội họp của dân chúng. Quyền này được tiếp tục khẳng định tại các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 cho thấy sự quan tâm của Nhà nước ta đối với việc trao các quyền về dân chủ cho công dân, trong đó có quyền lập hội và quyền hội họp.
Chính phủ qua các thời kỳ đã ban hành một số nghị định để cụ thể hơn nữa quyền lập hội của công dân. Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45 hiện là những văn bản đang có hiệu lực thi hành. So với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định 226 đã nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý và hoạt động của các hội tại Việt Nam; đồng thời, quy định chi tiết các nội dung về thành lập, tổ chức hoạt động hội nhằm đảm bảo các tổ chức, cá nhân sẽ thành lập và hoạt động hội phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, thể hiện qua một số điểm nổi bật như sau:
Một là, về đối tượng áp dụng, Nghị định 126 áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó. Nghị định này sẽ không áp dụng với các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.
Hai là, việc thành lập hội từ ngày 26/11/2024 phải đảm bảo các điều kiện như: tên gọi; lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động; có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật; có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này; có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này; có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác; có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.
Ba là, quy định về cơ sở dữ liệu về Hội: Nghị định mới có riêng một điều quy định về cơ sở dữ liệu về Hội phục vụ cho công tác quản lý nhà nước mà Nghị định 45/2010/NĐ-CP chưa quy định.
Bên cạnh đó, tổ chức, công dân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội. Thành viên ban vận động thành lập hội là tổ chức, công dân Việt Nam tâm huyết, trách nhiệm, hoạt động trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động hoặc có liên quan đến lĩnh vực hội dự kiến hoạt động. Các thành viên ban vận động thành lập hội phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Nghị định.
Bốn là, về thời gian đại hội thành lập là 60 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định. Quá thời hạn 60 ngày làm việc mà ban vận động thành lập hội chưa chuẩn bị kịp để tiến hành tổ chức đại hội thành lập, thì trong thời gian 15 ngày làm việc tính từ ngày hết thời hạn 60 ngày làm việc, ban vận động thành lập hội chủ động có văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định này đề nghị gia hạn.
Năm là, quy định về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: Nghị định 126 dành một chương để quy định về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Tại Nghị định này đã bỏ tên gọi hội có tính chất đặc thù và thay vào đó là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Một trong những điểm nổi bật của chương này là đã có quy định về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Sáu là, về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội: Nghị định số 126 quy định về điều khoản phân cấp thành lập và quản lý hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cụ thể như sau: (1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh. (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.
Bảy là, quy định về trách nhiệm của các cơ quan, liên quan: Nghị định 126 quy định một cách cụ thể trách nhiệm của từng Bộ, ngành có liên quan, không còn quy định trách nhiệm chung chung như Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 126 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội đã kịp thời thể chế các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hội, cũng như giải quyết được những vấn đề không thống nhất giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật về quản lý hội, không như nhận định phiến diện, thiếu khách quan mà Đài Á Châu tự do RFA, VOA tiếng việt, Việt Tân... đã đăng tải.