Năm 2024: Bí quyết để Vinatex về đích các chỉ tiêu tăng trưởng
Năm 2024, ngành dệt may nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nói riêng đã trải qua với nhiều cung bậc. 6 tháng đầu năm, thị trường và đơn hàng, giá xuất khẩu vẫn trên nền thấp của năm 2023 (đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe, thời gian giao hàng nhanh và đơn giá rất thấp), nhưng nửa cuối năm 2024, tình hình đã khởi sắc trở lại, nhờ đó, giúp ngành "thoát hiểm", về đích với các chỉ tiêu tăng trưởng 11%.
Trong ảnh: ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex; bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó Chánh Văn phòng HĐQT kiêm người phát ngôn Vinatex tại cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào CNLĐ 2024
Doanh thu hợp nhất của Vinatex năm 2024 đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2,8%, nhưng lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,9% so với năm 2023.
Tận dụng thời cơ, tạo đà bứt phá
Có được thành quả này là do Vinatex đã linh hoạt trong điều hành, sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá như: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển chuỗi cung ứng để trở thành một điểm đến trọn gói, đưa Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex vào hoạt động trên cơ sở kiện toàn Trung tâm Kinh doanh hàng thời trang Vinatex; Khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy (Hợp tác kinh doanh với Tập đoàn COATS, Vương Quốc Anh), nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới; Triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP); Tiếp tục triển khai các hoạt động về phát triển bền vững trong DN dệt may đáp ứng yêu cầu xanh hóa ngành Dệt May như: tổ chức Hội nghị/hội thảo về phát triển bền vững, báo cáo ESG - môi trường, xã hội và quản trị; chỉ đạo đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải số 2 công suất 8.000 m3/ngày đêm bên cạnh Nhà máy xử lý nước thải số 1 công suất 10.000 m3/ngày đêm cho ngành dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối Hưng Yên, hướng tới xây dựng KCN dệt may xanh kiểu mẫu tại khu vực phía Bắc...
Bên cạnh đó là đổi mới cách thức quản lý, đánh giá người đại diện vốn tại các doanh nghiệp, qua đó tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị trong Tập đoàn thông qua người đại diện vốn nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị. Đặc biệt, kiên trì chiến lược liên kết chuỗi vì mọi nhận định đều cho thấy hoạt động theo chuỗi có hiệu quả rõ rệt hơn.
Ban sản xuất kinh doanh May đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đơn vị còn khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động như tái cơ cấu lại hoạt động; điều động nhân sự quản lý, sắp xếp lại lao động, thay đổi thu nhập để thu hút lao động; tuyển dụng, đào tạo nhân sự thị trường… Công tác dự báo thị trường được thực hiện thường xuyên, kịp thời; công tác quản trị sản xuất và hệ thống hoạt động tích cực tại từng đơn vị, đặc biệt triển khai nhiều giải pháp quản trị sản xuất có kết quả rõ nét đối với các đơn vị may còn yếu; công tác tổ chức, tái cơ cấu một số nhà máy, hoạt động khảo sát, đánh giá hệ thống sản xuất và máy móc thiết bị công nghệ được thực hiện tại các đơn vị bước đầu có hiệu quả…Ban sản xuất kinh doanh Sợi đã thay đổi cách thức phối hợp để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh Sợi của Tập đoàn, từ đó đã giúp minh bạch về thông tin quản trị; Quản trị sản xuất đã nâng lên một tầm cao mới; Hỗ trợ nội bộ về tài chính giúp cho không có đơn vị nào rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán mặc dù lỗ khá sâu sau hơn 2 năm.
Nỗ lực chăm lo để giữ chân người lao động
Bên cạnh những điểm đặc biệt về đơn hàng, năm 2024, ngành dệt may năm qua phải đối mặt với biến động lớn về lao động lớn mà một trong những nguyên nhân là do một lượng lao động dệt may đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động. Trong bối cảnh đó, Vinatex đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động hiện có.
Trong vai trò của mình, Công đoàn Dệt May Việt Nam đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp, chăm lo việc làm, đời sống của người lao động, duy trì mối quan hệ hài hoà, ổn định, tiến bộ, đóng góp vào kết quả chung của Tập đoàn. Nổi bật là các hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành lần thứ VI, xác lập thêm nội dung mới tiến bộ hơn quy định của pháp luật; tìm kiếm và ký kết thỏa thuận với các nhãn hàng trong nước để cung cấp các sản phẩm chất lượng với giá ưu đãi, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động; phối hợp vớp Tập đoàn tổ chức Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May lần thứ VI với các nội dung bảo vệ đề tài giải pháp, trưng bày các mô hình, mẫu vật sáng tạo với chủ đề “Xanh hóa và phát triển bền vững”. Từ hơn 1.700 sáng kiến được ứng dụng, làm lợi gần 58 tỷ đồng tại cấp cơ sở, đã chọn lựa ra 73 đề tài lọt vào vòng chung khảo để tổ chức bảo vệ, giới thiệu, chia sẻ tại Ngày hội. Tôn vinh “Doanh nghiệp vì người lao động” và trao Giải thưởng “Nguyễn Thị Sen” cho 10 nữ CNVCLĐ tiêu biểu. Xét chọn và tôn vinh 26 Gia đình dệt may tiêu biểu. Mở 26 lớp đào tạo, nâng cao trình độ, kĩ năng tay nghề cho 918 người lao động tại 15 doanh nghiệp....
Triển vọng năm 2025
Năm 2025 có nhiều dấu mốc quan trọng với đất nước: kỷ niệm 80 năm thành lập nước và đặc biệt hơn với quan điểm định hướng “đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, năm diễn ra đại hội Đảng các cấp….; cũng là năm đánh dấu mốc Vinatex kỷ niệm 30 năm thành lập (1995-2025). Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Vinatex sẽ phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột môi trường- xã hội - quản trị và tài chính (ESGF), có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hoá doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước và khoa học, hiện đại hướng đến người lao động của hôm nay.
Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý I/2025, lác đác doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 4 và 5/2025. Vấn đề đặt ra là phải tuyển dụng được lao động mới đảm chất lượng đầu vào, đồng thời giữ chân người lao động ở cả cấp cao, cấp trung và phổ thông trong điều kiện áp lực cạnh tranh lao động ngày càng gia tăng. Muốn vậy, vinatex và các đơn vị phải đảm bảo việc làm, thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cơ hội phát triển cho người lao động.
Trước thềm năm mới 2025, Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ phối hợp với Tập đoàn tổ chức Chương trình Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước với các nội dung: Bán các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chuyến xe, tấm vé nghĩa tình đưa người lao động về quê đón tết, cùng nhiều hoạt động bên lề khác như: văn hóa văn nghệ, thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả,...
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết: Chương trình năm nay được tổ chức tại 5 điểm: Cụm TP. Hồ Chí Minh tại Tổng Công ty Việt Thắng -CTCP từ ngày 16-18/12/2024; Cụm TP. Hồ Chí Minh tại Tổng Công ty CP Phong Phú từ ngày 19-21/12/2024; Cụm Thừa Thiên Huế tại Công ty CP Dệt May Huế từ ngày 21-22/12/2024; Cụm Đà Nẵng tại Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ từ ngày 20-21/12/2024; Cụm Nam Định tại Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định từ ngày 9-11/01/2025.
Theo kế hoạch có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, người lao động được công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 người lao động được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho người lao động dự kiến là trên 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở).
NGỌC AN