Thời sự
Cập nhật lúc 05:05 10/02/2025 (GMT+7)
8 điểm mới của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 8 điểm mới liên quan đến quy định về dạy thêm, học thêm.

8 điểm mới của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2. Ảnh: Hải Nguyễn

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2. Thông tư mới có hiệu lực sẽ thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Dưới đây là 8 điểm mới của Thông tư 29 so với các quy định hiện hành.

Hoạt động dạy thêm là hoạt động dạy học phụ thêm

Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 29 quy định: Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông... So với Thông tư 17, quy định này nêu rõ hoạt động dạy thêm là hoạt động phụ trợ giúp học sinh cải thiện chất lượng.

Không cho dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa

Tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.

Điều này có nghĩa là giáo viên không được dạy thêm thu tiền học sinh đang dạy chính khóa.

Dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền học sinh

Tại khoản 1 Điều 5 quy định về dạy thêm trong nhà trường quy định:

“1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.

Không được xếp thời khóa biểu xen kẽ chính khóa và dạy thêm

Tại điểm b khoản 4 Điều 5 quy định mới về xếp thời khóa biểu quy định: “b. Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường”.

Quy định này được nhiều phụ huynh kỳ vọng sẽ chấm dứt việc các trường xếp thời khóa biểu xen kẽ để ép học sinh học thêm, học liên kết…

Tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh

Theo quy định của thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.

Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng

Ngoài việc nơi tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý của Luật Doanh nghiệp, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng. Điều này có nghĩa là giáo viên phải dạy thêm ở địa điểm có đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, Thông tư 29 tăng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm".

Dạy thêm thu tiền phải đóng thuế

Tại khoản 2 Điều 7 Quản lý thu tiền dạy thêm, học thêm quy định: Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Do đó, giáo viên dạy thêm ở đơn vị có giấy phép kinh doanh, đóng thuế theo quy định, mọi hành vi gian dối, trốn thuế có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Quy định về xử lý khi vi phạm dạy thêm, học thêm

Tại khoản 1, 2 Điều 16 nêu rõ:

“1. Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lí theo quy định của pháp luật”.

https://laodong.vn/giao-duc/8-diem-moi-cua-thong-tu-29-ve-day-them-hoc-them-1461105.ldo

VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: