Thất nghiệp giảm, thu nhập tăng
Giai đoạn 2021-2024, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động. Số lao động bị mất việc, giảm giờ làm tăng cao, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.
Nhờ vào các chính sách linh hoạt, thị trường lao động Việt Nam đã dần khôi phục và bắt nhịp lại xu hướng phát triển bình thường. Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá như tập trung vào việc hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030, chương trình phục hồi thị trường và thu hút lao động người ngoại tỉnh quay trở lại làm việc. Các địa phương cũng chủ động đề xuất các phương án sản xuất linh hoạt, bảo đảm sức khỏe và đời sống an toàn cho người lao động.
Tính đến tháng 9.2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,5%, duy trì ở mức cao, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Số lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị giảm còn 2,38%, thấp hơn 0,17% so với cùng kỳ.
Tỉ lệ lao động qua đào tạo đã đạt 68,7%, trong đó lao động có bằng chứng chỉ chiếm 28,1%.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong năm 2024, lĩnh vực lao động, việc làm ước đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
Duy trì giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường lao động
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, từ thời điểm ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) chủ trì đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người lao động, chủ sử dụng lao động để đảm bảo chuỗi cung ứng, điều tiết cung - cầu lao động, đảm bảo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp là bà đỡ, lưới an sinh quan trọng. Từ khi có bảo hiểm thất nghiệp, đời sống của người lao động được cải thiện khi không may mất việc làm và giúp họ nhanh chóng quay lại thị trường lao động.
Nhìn chung năm 2024 có nhiều thuận lợi, thể hiện qua việc doanh nghiệp thành lập mới, số lượng việc làm tăng lên và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống. Song, thị trường lao động vẫn còn tiềm ẩn nhiều bấp bênh.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý việc xây dựng các thông tư, nghị định hướng dẫn khi dự Luật Việc làm được thông qua. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm, phát triển thị trường lao động.
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho rằng, để thị trường lao động bền vững, cần các giải pháp kết nối cung - cầu, nhất là kết nối thông tin về lao động, việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm.
“Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cần được sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng, hiệu quả quản lý, điều tiết cung - cầu lao động. Đồng thời, kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp năng lực và sở trường…” - ông Trung nói.
https://laodong.vn/cong-doan/tin-hieu-kha-quan-tu-thi-truong-lao-dong-1443429.ldo