Thị trường lao động phục hồi
Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ. Tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 68,7%, trong đó, tỉ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Falmi) TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực của TPHCM trong năm 2025 là 310.000 - 330.000 lao động. Trong đó, quý I cần 79.000 - 84.000 chỗ làm việc, quý II là 77.000 - 82.000, quý III khoảng 75.500 - 80.500 và quý IV cần 78.500 - 83.500 chỗ làm việc. Về cơ cấu theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực: Thương mại - dịch vụ (67,7% tổng nhu cầu), công nghiệp - xây dựng (31,8%); thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (0,5%).
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội thông tin, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế tạo động lực to lớn cho sự phục hồi của thị trường lao động Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Trong đó, DN trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, kinh doanh bất động sản thường có nhu cầu tuyển dụng cao hơn cả.
Năm 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động; giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%...
Để thực hiện mục tiêu, TP Hà Nội đưa ra các giải pháp như: Hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động, đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
giải pháp đào tạo nhân lực để cung ứng cho thị trường
Đánh giá về triển vọng của thị trường lao động năm 2025, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) nhận định, thị trường lao động sẽ có sự khởi sắc do kinh tế phát triển, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tăng lên. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng theo.
“Năm 2025 có nhiều cơ hội việc làm nhưng ở nhóm đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Lao động muốn có cơ hội việc làm phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, phải có tay nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật...”, bà Hương nói.
Trao đổi với PV Lao Động ngày 2.1.2025, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nêu quan điểm, năm 2024 thị trường lao động đã được phục hồi và phát triển tích cực. Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội để thị trường lao động tiếp tục phát triển tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm và thu hút nhiều lao động, trong đó các ngành liên quan đến cơ sở hạng tầng, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghệ AI, chuyển đổi số, robot, bảo mật thông tin và an ninh mạng, kế toán, các ngành dịch vụ, bảo trì, vận hành máy móc...
Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra các thách thức về cung - cầu lao động, nhất là lao động có trình độ cao, các chuyên gia, các lĩnh vực mới. “Vấn đề đặt ra đối với chúng ta là cần có những giải pháp về nhân lực, có phương án cụ thể để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu mới, công việc mới; có phương án để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, nhất là công tác dự báo trung và ngắn hạn; tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức có hiệu quả các sàn giao dịch việc làm theo thời gian, ngành nghề, lĩnh vực, ở từng địa phương và toàn quốc” - ông Lê Quang Trung nói.
Theo Manpower Group Việt Nam, năm 2024, nhiều “gã khổng lồ” toàn cầu tung ra các dự án trị giá hàng triệu USD và các tập đoàn công nghệ đầu tư thêm hàng tỉ USD vào Việt Nam. “Tình trạng thiếu nhân tài, sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với những người lao động có tay nghề cao, và nhu cầu về các chiến lược giữ chân hiệu quả hiện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết” - ông Simon Matthews - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, ManpowerGroup cho hay.
https://laodong.vn/cong-doan/ha-noi-dat-muc-tieu-giai-quyet-viec-lam-cho-169000-lao-dong-nam-2025-1444577.ldo