Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 10:22 10/04/2023 (GMT+7)
Số lao động mắc bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn tăng mạnh

Năm 2022, tỉ lệ mắc một số bệnh nghề nghiệp (BNN) cao so với các bệnh còn lại là bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn chiếm 73,2%.

Hơn 1.300 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp

Số liệu trên vừa được công bố tại cuộc họp, thống nhất kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2023 vào chiều 7.4.2023.

Kết quả tổ chức thực hiện công tác vệ sinh lao động, phòng chống BNN 12 tháng năm 2022 được tổng hợp từ Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế và báo cáo của Sở Y tế/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh/thành phố.

Thông tin cụ thể khám phát hiện BNN, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Lương Mai Anh cho hay: Trong năm 2022, có 46/63 tỉnh/thành phố thực hiện khám phát hiện 33/34 loại BNN. 

Tổng số trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 465.230 trường hợp (tăng 120% so với năm 2021), trong đó đã phát hiện được 1.328 trường hợp mắc BNN chiếm khoảng 0,3% tổng số khám), tăng 0,2% với cùng kỳ năm trước.

Cần cải thiện tình trạng bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động ngành may mặc. Ảnh: Phương Linh.
Cần cải thiện tình trạng bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động ngành may mặc. Ảnh: Phương Linh

Đặc biệt, có 8/34 loại bệnh nghề nghiệp được chẩn đoán mới mắc, trong đó tỉ lệ mắc một số bệnh nghề nghiệp cao so với các bệnh còn lại, bao gồm: Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn chiếm 73,2%, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp chiếm 19,1%.

Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, năm 2022 có 114 trường hợp được giám định BNN, chiếm 8,6% tổng số trường hợp chẩn đoán mắc BNN trong năm. Kết quả giám định trong năm ghi nhận có 34 trường hợp BNN được hưởng trợ cấp 1 lần và 36 trường hợp được nhận trợ cấp thường xuyên của Bảo hiểm xã hội.

Năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành mới và đang tiếp tục rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật; chế tài xử phạt vi phạm cũng đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tổ chức  bộ máy làm công tác y tế lao động tại các địa phương đã được kiện toàn, cơ bản ổn định.

Bên cạnh thuận lợi đó, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại.

Một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành nhưng quy định chưa phù hợp với thực tiễn nên công tác tổ chức thực hiện gặp khó.

"Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về công tác quản lý vệ sinh lao động và phòng chống BNN cho đối tượng lao động làm việc trong khu vực không có hợp đồng lao động. Do đó, việc tổ chức thực hiện và công tác quản lý gặp nhiều vướng mắc" - bà Lương Mai Anh nhận định.

Ngoài ra, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về vệ sinh lao động, phòng chống BNN còn hạn chế. Nhiều người sử dụng lao động chưa nghiêm túc thực hiện đúng và đủ các quy phạm pháp luật về lĩnh vực này.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong năm 2022, Cục Quản lý môi trường y tế cho hay, ngoài công tác xây dựng và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật thì công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao năng lực chuyên môn cũng được cục cần chú trọng. 

Theo đó, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai các Quyết định của Chính phủ, Bộ Y tế. 

Chỉ đạo tổ chức triển khai các nội dung có liên quan trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam; Phối hợp nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... để phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Cục Quản lý môi trường y tế tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh và các viện chuyên ngành xây dựng danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám, điều trị bệnh nghề nghiệp, Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao năng lực chuyên môn cần được chú trọng. Ảnh minh họa: Hạnh Hân.
Công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao năng lực chuyên môn cần được chú trọng. Ảnh minh họa: Hạnh Hân

Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động ATVSLĐ năm 2023.

Phối hợp với các viện, Sở Y tế các tỉnh/thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đã công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động và các phòng khám điều trị bệnh nghề nghiệp. Hướng dẫn thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở y tế.

Đẩy mạnh kiểm tra đột xuất, việc thực hiện các chế độ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế; cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

https://laodong.vn/cong-doan/so-lao-dong-mac-benh-diec-nghe-nghiep-do-tieng-on-tang-manh-1177801.ldo

LƯƠNG HẠNH (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: