Ứng dụng AI vào công việc
Anh Nguyễn Văn Đức (tên nhân vật đã thay đổi) là chuyên viên Phòng Quản lý khoa học một trường đại học ở quận Đống Đa (Hà Nội).
Theo anh Đức, khoảng vài năm trước, anh và các đồng nghiệp gần như chưa có khái niệm gì về AI và những ứng dụng của công nghệ này trong công việc. Hơn 1 năm nay, AI, Chat GPT đã trở thành câu chuyện hằng ngày nơi công sở.
“Trong công việc chuyên môn của tôi, trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng đã trở thành trợ thủ đắc lực khi các ứng dụng đó có thể đưa ra những gợi ý trong việc viết báo cáo, tìm kiếm các tài liệu chính thống hay phân tích các số liệu trong hoạt động thống kê 1 cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, cách sử dụng khá đơn giản phù hợp với nhiều đối tượng, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh thì có thể sử dụng 1 cách tiện lợi”, anh Đức nói.
Chị Vũ Quỳnh Thi hiện nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty chuyên về giải pháp chăm sóc khách hàng tại phố Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Chị Thi cho hay, khách hàng chị tiếp xúc hằng ngày là khách của 1 ngân hàng thương mại. Nhóm khách này là đối tượng VIP, chi tiêu nhiều hoặc tài khoản tại ngân hàng có nhiều tiền; khách được quy đổi số tiền chi tiêu/tích lũy ra điểm thưởng, điểm thưởng này dùng để đổi quà, nhận voucher, sản phẩm.
“Công ty tôi làm chính là lĩnh vực công nghệ thông tin nên chúng tôi tiếp xúc, làm quen và ứng dụng công nghệ AI vào công việc rất sớm so với mặt bằng chung tại Việt Nam. Hiện, hàng ngày hàng giờ tôi dùng công cụ này để triển khai công việc và cảm nhận được sự tiện lợi tuyệt vời của nó. Nhờ công nghệ AI tôi dễ dàng xác định nhanh chóng nhu cầu của khách, tài liệu tham khảo phong phú. Cùng với đó công cụ AI còn hỗ trợ tôi trả lời ngay các yêu cầu thường gặp của khách hàng; cách trả lời thông minh, nhanh chóng giúp tôi tương tác nhịp nhàng với khách hàng, giao tiếp không bị cứng nhắc”, chị Thi chia sẻ.
Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Cổ phần Anphabe cho hay, hiện NLĐ có nhu cầu sử dụng AI cao và nhận thấy tiềm năng ứng dụng vượt trội của công nghệ này trong công việc. Tuy nhiên, đa số nhân sự thiếu hụt các kỹ năng liên quan đến công nghệ. “Theo khảo sát của Anphabe, hơn 70% người đi làm đánh giá kỹ năng công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng năng lực thì chưa tương xứng”, bà Thanh Nguyễn nói.
Ngoài kém kỹ năng sử dụng AI, NLĐ còn đứng trước nguy cơ thiếu/mất việc làm do nhiều công việc/công đoạn bị AI thay thế.
Ông Hà Anh Tuấn - CEO Vinalink Media JSC. chia sẻ câu chuyện thực tế tại chính doanh nghiệp của mình: “Tôi đã thử nghiệm khi cần tóm tắt một cuộc họp, cho nhân sự hành chính và một chatbot cùng thực hiện. Kết quả, chatbot vượt trội về độ chính xác, đầy đủ và đúng giờ, với chi phí chỉ 500.000 đồng/tháng so với 15 triệu đồng cho nhân sự. Việc con người có nguy cơ mất việc vì AI là điều rõ ràng”.
“AI là “kẻ cướp” việc làm hay là “người mở đường” cho những cơ hội mới? Đây vẫn là câu hỏi mở, và câu trả lời phụ thuộc nhiều vào cách NLĐ chuẩn bị như thế nào với làn sóng công nghệ này” - bà Thanh Nguyễn nói.
Sẽ có nhiều công việc mới ra đời
Nhận định về cơ hội việc làm trong thời đại AI, trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Việc áp dụng AI đối với Việt Nam, trong các năm tới, nhiều công việc hiện tại sẽ giảm hoặc không còn và cũng có nhiều công việc mới ra đời, dẫn đến sự thay đổi nhân sự là tất yếu, trong đó công nghệ đóng vai trò quyết định”.
Đặc biệt, đối với những ngành nghề có tính chất lặp đi lặp lại, công nghệ có thể thay thế thì sẽ giảm dần và tiến tới thay thế một cách tối đa như nhân viên giao dịch, nhân viên nhập dữ liệu… Do đó, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cần có đánh giá, dự báo lĩnh vực, công việc, mức độ chịu sự tác động của AI để có những giải pháp về nhân lực, có phương án cụ thể để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu mới.
Ngành nghề bị ảnh hưởng sản xuất tự động hóa thay thế lao động thủ công bằng robot và AI, chỉ giữ lại nhân sự có kỹ năng cao. Bán lẻ thương mại điện tử bùng nổ (Shopee, Lazada) làm giảm sức cạnh tranh của cửa hàng truyền thống. Các cửa hàng không người bán (VD: Amazon Go) ngày càng phổ biến. Logistics hệ thống tự động hóa kho bãi và giao hàng bằng drone hoặc xe tự lái. Bù lại, ngành nghề phát triển mạnh công nghệ thông tin (CNTT) sẽ có nhu cầu cao cho kỹ sư phát triển phần mềm, ứng dụng, và hệ thống đám mây, phân tích dữ liệu (Data Analytics) hay chuyên gia dữ liệu. Lĩnh vực an ninh mạng cũng sẽ gia tăng nhân lực để bảo vệ hệ thống trước nguy cơ tấn công mạng. Ứng dụng AI chuyên gia ứng dụng AI trong các lĩnh vực như tài chính và y tế ngày càng được săn đón. Do đó, những ai nhanh nhạy nâng cao kỹ năng số sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội và lợi thế.
https://laodong.vn/cong-doan/thich-ung-va-co-hoi-viec-lam-voi-lan-song-cong-nghe-ai-1451583.ldo