Vượt chỉ tiêu vẫn lo ngại
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 người, đạt 114 % kế hoạch năm 2024.
Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu trong tiếp nhận lao động Việt Nam, với 69.188 lao động; tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc) với 53.271 lao động; Hàn Quốc: 11.273 lao động. Lao động làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập cao nhất, từ 1.500 đến 2.000 USD; tiếp theo là Nhật Bản 1.200 đến 1.500USD; Đài Loan (Trung Quốc) từ 800 đến 1.200USD. Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, dao động 600 đến 1.000USD đối với lao động có tay nghề và 400 đến 600USD với lao động phổ thông.
Theo thống kê, hiện khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài gửi về nước từ 3,5 - 4 tỉ USD mỗi năm.
Ngoài các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, Bộ LĐTBXH nỗ lực thúc đẩy phát triển một số thị trường mới tiềm năng như: Australia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Rumani, Tây Ban Nha, Phần Lan...
Dù đạt nhiều thành tựu, thị trường Nhật Bản gần đây xuất hiện một số vụ việc phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ.
Giữa tháng 12.2024, nhóm khoảng 150 lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo 2 nguồn: Một nguồn đi từ Việt Nam không thông qua các doanh nghiệp phái cử; nguồn thứ hai là doanh nghiệp ở Nhật Bản tự tuyển dụng lao động tại Nhật Bản. Nhóm này kêu cứu vì bị công ty cung ứng nhân lực ở tỉnh Aichi (Nhật Bản) nợ lương tháng 9 và tháng 10.2024.
Theo ông Phan Tiến Hoàng, Trưởng ban Quản lý lao động (Ban), Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Ban hỗ trợ lao động sát sao trong việc đòi quyền lợi và làm việc với các bên liên quan tại Nhật Bản, tuy nhiên, cần có quá trình xử lý theo quy định.
Cuối tháng 12.2024, nhóm 83 lao động Việt Nam bị Công ty LP Staff ở tỉnh Shizuoka từ chối trả lương tháng 11.2024 với tổng số tiền lên tới hàng chục triệu yen. Trước đó, ngày 28.12.2024, 83 lao động nhận được thông báo công ty đang tiến hành thủ tục phá sản và sẽ chấm dứt hợp đồng với họ sau 30 ngày do gặp khó khăn tài chính. Tổng số tiền lương công ty nợ ước tính lên tới hàng chục triệu yen.
Các lao động bị nợ lương chủ yếu làm việc theo tư cách lưu trú “Kỹ thuật - Tri thức nhân văn - Nghiệp vụ quốc tế” (visa kỹ thuật viên).
Tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro
Trao đổi với PV Lao Động ngày 13.1.2025, ông Đặng Sỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) - cho hay, có nhiều rủi ro mà NLĐ đối điện khi đi làm việc ở Nhật Bản không qua công ty phái cử tại Việt Nam mà đi thông qua cá nhân, doanh nghiệp không có giấy phép, cò mồi...
“NLĐ phải tìm doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động; tìm hiểu kỹ về hợp đồng, từ mức lương, điều kiện làm việc, địa điểm làm việc, công việc/ngành nghề, bảo hộ/an toàn lao động... đồng ý với toàn bộ nội dung, điều khoản mới đặt bút ký. Quá trình giao dịch, làm việc với DN, NLĐ cũng phải lưu giữ toàn bộ hóa đơn, chứng từ” - ông Đặng Sỹ Dũng lưu ý.
Một nội dung nữa được ông Đặng Sỹ Dũng đặc biệt nhấn mạnh, là trong quá trình NLĐ được đào tạo, giáo dục, định hướng, bao giờ hồ sơ cũng có các số điện thoại quan trọng để liên hệ khi cần. “Khi có việc phát sinh, NLĐ liên hệ ngay với đại diện DN, Ban quản lý lao động, sứ quán, cơ quan lao động địa phương… Thậm chí, có thể gọi điện về trong nước, thông qua người thân gửi đơn thư, thắc mắc đến Cục Quản lý lao động ngoài nước. Tuyệt đối khi có việc không được bỏ ra ngoài, không phản kháng bằng vũ lực” - ông Đặng Sỹ Dũng nhấn mạnh.
Ông Đặng Sỹ Dũng lưu ý thêm, NLĐ Việt Nam vẫn giữ thói quen lâu ngày không gặp nhau hoặc dịp lễ Tết gặp nhau thì tụ tập chơi bời… Thậm chí có người tối đi chơi quá khuya, hôm sau không đi làm nổi. Trong khi đó, Nhật Bản hiện đã ăn Tết Dương lịch chứ không ăn Tết Âm lịch như nước ta. NLĐ phải lưu ý tôn trọng quyền riêng tư của người bản địa, phong tục, văn hóa bản địa.
“Các hình thức đưa lao động đi Nhật Bản hiện nay khá “nhốn nháo”, NLĐ có nhu cầu đi xuất khẩu lao động phải đặc biệt lưu ý. Với nhóm DN từ Nhật Bản tự tuyển người từ Việt Nam, sau khi có những sự việc phát sinh cụ thể thời gian vừa qua, Cục Quản lý lao động sẽ làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để tìm hiểu” - ông Đặng Sỹ Dũng nói.
https://laodong.vn/cong-doan/can-trong-khi-di-xuat-khau-lao-dong-qua-kenh-khong-chinh-thuc-1449560.ldo