Nghỉ hưu 60 với nam, 55 với nữ: Người lao động ủng hộ nhưng khó được chấp thuận
Liên quan đến đề xuất của 8 hiệp hội về việc giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 với lao động nam, 55 tuổi với lao động nữ đang nhận được sự quan tâm từ dư luận. Báo Lao Động đã ghi nhận ý kiến bạn đọc về đề xuất này.
Bạn đọc ủng hộ
Cụ thể, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, 8 hiệp hội đề xuất, người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) khi đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH.
Bạn đọc Lê Thu Hà nêu quan điểm, đa số lao động hiện nay làm việc chân tay, ca kíp với cường độ cao nhiều năm nên khó đảm bảo thể trạng sức khỏe để duy trì công việc. Trong khi đó, ở nước ta lao động trẻ không khan hiếm như các nước khác. Các bạn trẻ ra trường hiện nay cũng khó khăn trong việc tìm kiếm công việc. Đề xuất này tạo cơ hội cho người trẻ cống hiến và cũng giúp lao động lớn tuổi có cơ hội nghỉ hưu sớm hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc có tên tài khoản Huệ Nguyễn cho biết, người lao động lớn tuổi năng suất không bằng lớp trẻ, do vậy để lớp trẻ có nhiều cơ hội phát huy. Ngoài ra, các yếu tố như môi trường sống trong bối cảnh phát triển, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng. Trong khi đó, công việc ngày càng đòi hỏi cao và khắc nghiệt làm sức khỏe người lao động giảm sút nhanh nên chưa chắc qua 50 – 60 tuổi vẫn còn đủ khỏe mạnh để làm việc. Những người còn sức khỏe và chuyên môn tốt vẫn có thể cống hiến bằng các công việc khác không quy định tuổi hưu.
Còn bạn đọc Huệ Nguyễn cho rằng, với tuổi hưu 55 - 60 thì chỉ phù hợp với cán bộ, công nhân viên chức làm hành chính còn người lao động chân tay đến độ tuổi này sức khỏe đã giảm sút đáng kể. Người lao động làm việc trong bối cảnh nặng nhọc luôn mong được nghỉ hưu sớm. Đề xuất trên đã đúng với tâm lý của người lao động.
Chuyên gia nói gì?
Đánh giá về đề xuất này, trao đổi với báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân đánh giá, đề xuất này sẽ khó được chấp thuận. Bởi, khi người lao động nghỉ hưu phải đảm bảo 2 điều kiện là số năm tham gia BHXH và tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, hiện nay chúng ta đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 với nam và từ 55 lên 60 với nữ nên khó có thể giảm tuổi nghỉ hưu.
Ông Huân cũng cho rằng, khi xã hội phát triển, có nhiều dịch vụ thì người lao động tuổi cao có thể chuyển sang làm nghề khác. Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh, TP có thể giới thiệu người lao động tuổi cao sang làm những công việc dịch vụ phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia BHXH, khi về hưu có mức lương đủ sống.
Trước đó, 8 hiệp hội gồm: Gỗ & Lâm sản Việt Nam, Giày – túi xách Việt Nam, Thực phẩm minh bạch, Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - đã gửi đến Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng với nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.
Lý do được các hiệp hội đưa ra là trên thực tế, lao động Việt Nam chủ yếu là lao động chân tay, có rất nhiều trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội từ rất sớm, có thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Như vậy, khi người lao động đến năm 55-60 tuổi thì sức khỏe cũng đã giảm sút, không đảm bảo được yêu cầu công việc, có nguy cơ mất việc.
https://laodong.vn/ban-doc/nghi-huu-60-voi-nam-55-voi-nu-nguoi-lao-dong-ung-ho-nhung-kho-duoc-chap-thuan-1191855.ldo
NGỌC THÙY (báo lao động)