Muốn tìm cơ hội mới
Anh Phan Minh Thành - trưởng bộ phận bếp của một nhà hàng Nhật Bản tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định nhảy việc ngay sau Tết Nguyên đán 2025.
Anh Thành gắn bó với nhà hàng đã 4 năm, từ vị trí nhân viên bếp, anh thành trưởng bộ phận nhờ làm việc chăm chỉ, không ngừng học hỏi và trau dồi bản thân. “Tôi bắt đầu bằng vị trí nhân viên, lương 8 triệu đồng/tháng, được bao ăn ở. Hiện lương của tôi 25 triệu đồng/tháng, thêm cả phúc lợi riêng dành cho vị trí quản lý. Tôi đã thỏa thuận với chủ nhà hàng làm đến hết ngày 28 tháng Chạp (27.12.2024). Sau đó, 2 bên thanh toán lương, thưởng Tết”, anh Thành nói.
Về lý do nhảy việc ngay sau Tết, anh Thành cho biết anh muốn cho bản thân 1 cơ hội mới. Anh Thành quê ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Năm 2016, tốt nghiệp cấp 3, anh học tiếng và sang Nhật Bản theo diện du học sinh. Quá trình làm thêm tại một nhà hàng ở Tokyo, anh Thành nhận ra tiềm năng của nghề bếp, bản thân anh cũng hứng thú với nghề này. Về nước, anh Thành xin làm phụ bếp ở nhà hàng Nhật, không ngừng trau dồi thêm vốn tiếng Nhật và tham gia là quản lý một diễn đàn chuyên dành cho những người làm thu mua nguyên liệu, làm bếp ở các nhà hàng Nhật Bản.
“Chưa lập gia đình, tôi muốn cho bản thân thêm cơ hội và muốn vượt qua giới hạn. Tôi đã trúng tuyển vị trí bếp phó tại một nhà hàng Nhật Bản cao cấp. Lương thử việc 30 triệu đồng/tháng”, anh Thành nói.
Không có mức lương “trong mơ” như anh Thành, chị Tạ Thị Thơm (quê huyện Yên Mô, Ninh Bình) đang làm thuê cho một xưởng gia công nguyên phụ liệu may mặc tại khu làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Công việc hằng ngày của chị Thơm là cuốn chỉ tơ vào suốt (trục cuốn chỉ bằng nhựa hoặc sắt). “Tôi và 3 công nhân ngồi giữa 1 gian nhà đầy chỉ tơ, bụi bay mờ mắt, đeo khẩu trang vẫn cảm thấy buốt mũi. Dù mức lương 8 triệu đồng/tháng không thấp, nhưng vì lý do sức khỏe, tôi quyết định nghỉ việc sau khi lấy lương, thưởng Tết”, chị Thơm nói.
Theo chị Thơm, khi trao đổi với chủ về việc nghỉ làm, chị có được đề xuất tăng lương lên 9 triệu đồng/tháng nhưng chị quyết tâm nghỉ. “Tôi và một người bạn thân quyết định nghỉ việc sau Tết. Cả hai sẽ về quê ăn Tết, trở lại Hà Nội ngày 10 tháng Giêng và mở hàng ăn sáng trước cổng một trường tiểu học ở phường Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội)”, chị Thơm cho hay.
Lưu ý khi nhảy việc
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, những năm gần đây, sau kỳ nghỉ Tết, thị trường lao động thường có sự khởi sắc khi nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực gia tăng. Nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng ngay từ đầu năm để chủ động nhân lực sản xuất.
Theo ông Thành, ngay sau Tết Nguyên đán 2024, phiên giao dịch việc làm vệ tinh kết nối 9 tỉnh phía Bắc đã có gần 50.000 vị trí việc làm ở mọi lĩnh vực và ngành nghề. Như vậy, cơ hội việc làm cho người lao động rất rộng mở. Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2025, các phiên giao dịch việc làm cũng khá sôi động.
“Thị trường lao động đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực. Người lao động cần lưu ý khi quyết định nhảy việc, chủ động lên kế hoạch để đảm bảo có công việc gối đầu, không ảnh hưởng thu nhập” - ông Thành nói.
Theo Công ty Luật TNHH YouMe, nếu nhảy việc đúng luật, người lao động cần lưu ý về những khoản tiền có thể được nhận:
Tiền lương chưa được thanh toán: Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của mình, trong đó có số tiền lương của những ngày làm việc mà chưa được trả.
Tiền trợ cấp thôi việc: Nếu đã làm việc thường xuyên cho công ty từ đủ 12 tháng trở lên, người lao động sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc.
Tiền phép năm chưa nghỉ hết: Tại thời điểm nghỉ việc mà chưa nghỉ hoặc nghỉ hết số ngày phép năm, người lao động sẽ được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Tiền trợ cấp thất nghiệp: Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp phải được gửi đến trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng thì mới được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền trợ cấp.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-du-tinh-nhay-viec-ngay-sau-tet-1439284.ldo