Lao động chưa tiếp cận AI
Chị Nguyễn Thị Thu - Công nhân may của một doanh nghiệp chuyên gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu đóng tại KCN Suối Dầu (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bước vào công việc mỗi ngày từ bàn máy may.
Gần 12 năm gắn bó với nghề may từ không biết nghề đến nay chị Thu đã trở thành thợ có tay nghề bậc cao. Khi được hỏi về những ứng dụng mới từ máy móc sẽ thay thế dần nhiều công việc và công đoạn trong nghề chị tỏ ra khá lạ lẫm.
Chị Thu cho biết: “Tôi làm công nhân may nhiều năm nay thì thấy vẫn làm thủ công bình thường. Tôi có nghe về AI nhưng cũng chỉ nghe chứ chưa tìm hiểu nó như thế nào hay ảnh hưởng gì đến công việc của mình”.
Theo ghi nhận của phóng viên, đa số người lao động còn khá mơ hồ và chưa tìm hiểu những ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ tác động như thế nào đến công việc của mình.
Chị Nguyễn Thị Thúy (tên nhân vật đã được thay đổi) - công nhân Công ty TNHH May mặc Đồ bơi Thống Nhất chia sẻ: “Công việc ở bộ phận cắt nhiều năm nay dù có máy móc bổ trợ nhưng cũng cần phải có thao tác của công nhân như chúng tôi. Việc của tôi là căn chỉnh sao cho đường cắt chuẩn theo yêu cầu đưa ra. Tôi chưa nghĩ đến việc ngày nào đó máy móc sẽ thay thế công việc của mình”.
Theo thống kê, Khánh Hòa hiện có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Việc cải tiến kỹ thuật đầu tư máy móc thiết bị đã và đang được nhiều doanh nghiệp ưu tiên trong chiến lược phát triển của mình.
Tuy nhiên trong 2 năm đại dịch COVID-19 ngành dệt may lao đao. Việc duy trì đơn hàng, có được việc làm cho người lao động vẫn đang là ưu tiên của doanh nghiệp.
Không thể đứng ngoài cuộc chơi AI
Chia sẻ tại nhiều cuộc làm việc với các cấp bà Hồ Thị Phương Đài - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH May mặc Đồ bơi Thống Nhất luôn nhắc đến nỗi khó của doanh nghiệp là “khó tuyển dụng được công nhân may vì đòi hỏi tính kỷ luật. Nếu một lao động không tập trung thì sẽ dẫn đến nhiều lao động khác ảnh hưởng...”.
Doanh nghiệp này hiện có 1.600 công nhân với 54 dây chuyền may sản xuất gia công sản phẩm đồ bơi xuất khẩu. Hàng tháng công ty có nhu cầu tuyển dụng từ 200 công nhân may nhưng rất ít người ứng tuyển.
Theo đại diện doanh nghiệp, ban lãnh đạo cũng đã có sự quan tâm nhất định đến xu hướng AI. Một trong những điểm được quan tâm là AI sẽ góp phần giúp doanh nghiệp có thể quản lý an ninh, điều hành xe, thu nhập dữ liệu... Tuy nhiên, việc này mới chỉ nằm ở mức độ nghiên cứu của nhân sự công nghệ để tìm kiếm ứng dụng phù hợp.
“Với công việc may đòi hỏi tính thủ công vẫn cao nên lao động vẫn khó thay thế” - đại diện công ty nêu.
Tại Công ty Cổ phần An Hưng - doanh nghiệp may lớn nhất tỉnh Phú Yên với hơn 2.400 lao động. Đại diện doanh nghiệp cho biết, năm 2023 doanh nghiệp thành lập Ban Tự động hóa. Ban có nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng giảm thao tác công nhân. Và trước xu hướng AI thì An Hưng cũng phải chuyển đổi.
Chỉ số hóa một số công đoạn
Tại Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp dệt may, chuyện ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất kinh doanh cũng tương tự như ở Nam Trung Bộ. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều có chung câu trả lời rằng, ứng dụng AI vào sản xuất kinh doanh là tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên đó là chuyện của tương lai. Còn bây giờ, các doanh nghiệp chỉ ứng dụng AI theo kiểu “số hóa” một vài công đoạn để rút ngắn thời gian làm việc và nghiên cứu, tìm hiểu phần còn lại. Một trong những lý do nữa, khiến các doanh nghiệp dệt may ở Đà Nẵng chưa chú tâm lắm đến việc ứng dụng công nghệ AI là do hầu hết doanh nghiệp chỉ may gia công, không có thiết kế và bán hàng như ở các khu vực khác. Tường Minh
https://laodong.vn/cong-doan/ung-dung-ai-vao-may-mac-nhieu-doanh-nghiep-con-de-dat-1436791.ldo