Cung - cầu việc làm còn chưa gặp nhau
Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, chị Nguyễn Thị Thương cho biết, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm nhưng không phù hợp với điều kiện của chị hoặc chị không đáp ứng được yêu cầu. “Cuối năm tìm việc cũng khó khăn, tôi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trước, với hy vọng có chút tiền mua vé về quê ở miền Bắc qua Tết rồi tính tiếp”, chị Thương nói.
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, thực tế có sự không gặp nhau giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc, nhiều thời điểm số người tìm việc ít hơn nhu cầu tuyển dụng.
Trong năm 2024, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 142.059 người, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 32.000 lượt người và số người nhận việc làm là 10.000 người.
Giải thích lý do nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, bà Thục cho rằng, sau dịch COVID-19, khá nhiều NLĐ chuyển dịch từ TPHCM về các tỉnh chưa trở lại. Điều này được thể hiện qua số liệu giải quyết BHTN, có hơn 50% NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHTN là từ các tỉnh về TPHCM làm việc.
Bên cạnh đó, xu hướng nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động đang dần dịch chuyển về các tỉnh lân cận TPHCM do chi phí nhân công rẻ, mặt bằng rộng, phù hợp cho việc đảm bảo môi trường lao động. Một số doanh nghiệp có chế độ tiền lương, tiền thưởng thấp, điều kiện làm việc không thuận lợi dẫn đến khó khăn trong khâu tuyển dụng, nhất là ở lĩnh vực lao động phổ thông.
Một số không ít NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHTN, nhưng không muốn quay trở lại làm việc trong các doanh nghiệp mà sẵn sàng làm việc ở khu vực phi chính thức như chạy Grab, đi giao hàng cho doanh nghiệp, người dân bán hàng online… không đóng BHXH để tiếp tục hưởng hết số tháng trợ cấp BHTN (ít nhất là 3 tháng, nhiều nhất 12 tháng) và không có nhu cầu tìm việc trong thời gian hưởng thất nghiệp.
Lao động đã qua đào tạo tìm việc chiếm 99,13%
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu - Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM - cho hay, qua khảo sát từ hơn 165.000 NLĐ có nhu cầu tìm việc trong năm 2024, cho thấy nhu cầu tìm việc làm ở lao động đã qua đào tạo gần 164.000 người, chiếm 99,13%; nhu cầu tìm kiếm việc làm ở lao động phổ thông có 1.438 người có nhu cầu chiếm 0,87% tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm như nhân viên nhập liệu; nhân viên bán hàng; nhân viên tiếp thị; giao hàng; cộng tác viên; nhân viên an ninh; nhân viên đóng gói; nhân viên phục vụ.
Bà Hiếu cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và xu hướng chuyển đổi số ngày càng lan rộng, thị trường lao động cũng phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn về hình thức làm việc, nhu cầu tuyển dụng và các yêu cầu kỹ năng. Quá trình số hóa đã đưa việc tuyển dụng đánh giá NLĐ và đào tạo trực tuyến trở thành một xu hướng phổ biến. Đồng thời, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển thị trường lao động theo xu hướng mới, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo chuyên sâu, cập nhật thường xuyên để đáp ứng các yêu cầu mới.
Dự báo năm 2025, TPHCM cần khoảng từ 310.000 - 330.000 chỗ làm việc, bà Hiếu khuyến cáo NLĐ cần tự giác, nâng cao kỹ năng và chuẩn bị cho sự thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường lao động. Đối với doanh nghiệp, cần thúc đẩy công tác đào tạo nội bộ đào tạo tại chỗ hợp tác đào tạo để nâng cao kỹ năng chuyên môn của NLĐ, bám sát yêu cầu công việc tại doanh nghiệp và nâng cao chất lượng, năng suất lao động trong doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp cũng cần quan tâm phúc lợi và tạo môi trường làm việc thân thiện, linh hoạt, lương, thưởng cạnh tranh nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của NLĐ để giúp họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, an tâm gắn bó doanh nghiệp lâu dài”, bà Hiếu khuyến cáo.
https://laodong.vn/cong-doan/du-bao-tphcm-can-310000-330000-vi-tri-viec-lam-trong-nam-2025-1439227.ldo