Những năm qua, Sở LĐ-TBXH tỉnh Hòa Bình đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn các công đoàn cơ sở triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên công đoàn, người lao động theo luật định.
Theo báo cáo, tính đến tháng 6.2024, trên địa bàn tỉnh có 231 DN có tổ chức công đoàn, tổng số trên 34.000 công nhân lao động (gồm 7 DN nhà nước, 224 DN ngoài khu vực nhà nước). Hầu hết, các doanh nghiệp đều tổ chức hội nghị đối thoại hàng năm, trong đó 172/231 DN đã ký kết TƯLĐTT (đạt 75%).
Nhiều bản thỏa ước có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động, tập trung vào chế độ phúc lợi tập thể, cải thiện điều kiện làm việc, chế độ bảo hộ lao động, hòa giải và thương lượng khi có tranh chấp lao động,…
Tuy nhiên, việc đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động quan tâm.
Hiện còn 25% DN chưa thực hiện ký TƯLĐTT, số TƯLĐTT đạt loại A chưa nhiều. Quy trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT chưa tuân thủ quy trình tổng hợp, chọn lọc ý kiến của người lao động trước khi tổ chức ký kết, chưa thông qua sự đồng thuận của tập thể người lao động.
Nhiều doanh nghiệp ký kết mang tính hình thức, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động. Đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động chưa thực sự ổn định và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo đúng quy định.
Trao đổi với PV, ông Bùi Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết: “Thời gian tới, Sở vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Bên cạnh đó, đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp trực tiếp tham gia thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động trong xây dựng TƯLĐTT”.
Theo mục tiêu chung của Tổng LĐLĐ Việt Nam đến năm 2028, Sở phấn đấu có ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo quy định của pháp luật.
Việc tổ chức các hoạt động đối thoại làm việc, thương lượng tập thể tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng, công bằng cho người lao động, đồng thời góp phần ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Tỉnh.
https://laodong.vn/cong-doan/hoa-binh-nang-cao-van-hoa-doi-thoai-tai-noi-lam-viec-1437540.ldo