Tuy nhiên, nhiều người lao động cho biết giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa thể hạn chế nhu cầu rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Anh Đặng Văn Hậu (34 tuổi) - công nhân tại Nam Định - cho hay, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu không quyết định nhiều đến việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Bản thân anh khẳng định sẽ không rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong tương lai.
Giảm từ 20 năm xuống 15 năm, theo anh Hậu sẽ thiết thực hơn với những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn. Với những người trẻ hoặc ngoài 30 như anh, điều quan trọng để hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần vẫn là độ tuổi hưởng lương hưu cùng yếu tố kinh tế.
Chia sẻ thêm, anh Hậu cho biết, độ tuổi từ 25 đến 35 rất nhiều người cần đến số tiền lớn để lo công việc, nhà cửa, gia đình. Rút bảo hiểm xã hội là một trong những cách họ nghĩ đến đầu tiên vì bản thân vẫn còn trẻ để tiếp tục đóng đủ.
Đó cũng là lý do vì sao anh Hậu đã quyết định rút bảo hiểm xã hội 1 lần vào năm 2021, năm 2022 mới bắt đầu tham gia trở lại hệ thống an sinh.
“32 tuổi, tôi quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội từ đầu, đóng đủ 20 năm, lúc đó là 52 tuổi tôi sẽ nghỉ ngơi chờ đến tuổi hưởng lương hưu. Nếu không rút bảo hiểm xã hội 1 lần thì 45 tuổi tôi đã đóng đủ 20 năm nhưng lúc đó không chắc có thể để lại chờ đến khi đủ tuổi hay không” - anh Hậu cho hay. Do đó, theo nam công nhân, yếu tố quyết định đến việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần phụ thuộc nhiều vào độ tuổi nghỉ hưởng lương hưu.
Dù đóng bảo hiểm khá muộn nhưng bà Phạm Thị Thanh (48 tuổi) - công nhân giày da cũng cho rằng, giảm thời gian đóng bảo hiểm không quyết định nhiều đến việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Bà Thanh cho biết, hiện tại đã đóng bảo hiểm xã hội được 8 năm. Bản thân bà chỉ cố thêm 2 năm nữa rồi sẽ xin nghỉ việc, xem xét đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để nhận lương hưu hoặc rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Theo bà Thanh, có hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần, đó là tính chất công việc và độ tuổi hưởng lương hưu.
Sở dĩ bà Thanh chỉ cố 2 năm nữa vì công việc hiện tại quá vất vả, áp lực. Làm đêm luân phiên, công ty cắt bớt nhân lực trong tổ khiến sức khỏe bà ngày càng suy giảm.
Đồng thời, bà Thanh cũng theo dõi tình hình sức khỏe sau khi nghỉ việc để quyết định. Nếu sức khỏe cải thiện tốt, bà sẽ cố gắng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến khi đủ 20 năm chứ không cần giảm 15 năm để hưởng lương hưu.
Ngược lại, nếu sức khỏe không cho phép, bà Thanh chia sẻ, có thể rút bảo hiểm xã hội 1 lần gửi tiết kiệm hàng tháng lấy lãi chi tiêu và tự nghỉ hưu sớm. Nếu giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống 55 như trước, bà Thanh cho biết sẽ có nhiều động lực hơn để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và giữ lại hưởng lương hưu.
“Nếu giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 - 60 thì việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội mới trở nên ý nghĩa và thôi thúc nhiều người cố đóng bảo hiểm xã hội, hạn chế rút một lần hơn” - nữ công nhân cho hay.
https://laodong.vn/cong-doan/giam-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-chua-han-che-rut-che-do-1-lan-1405099.ldo