Dấu ấn 20 năm chuyển mình thoát nghèo ở Đam Rông
Lâm Đồng - Sau 20 năm hình thành và phát triển, huyện Đam Rông đã vươn lên mạnh mẽ, giảm nghèo hiệu quả và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Giảm nghèo ngoạn mục sau 20 năm
Khi mới thành lập vào năm 2004, huyện Đam Rông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ 2,6 triệu đồng/năm, hạ tầng còn nhiều thiếu thốn...
Năm 2005, toàn huyện Đam Rông vẫn đang còn 4.270 hộ nghèo (chiếm 73,19%). Trong đó, có 3.136 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chiếm tỉ lệ 85%.
Đến cuối năm 2024, tổng số hộ dân trên địa bàn toàn huyện Đam Rông có 14.762 hộ, với 61.648 nhân khẩu (theo kết quả rà soát hộ nghèo). Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 390 hộ (2,64%), giảm 70,55% so với tỉ lệ hộ nghèo năm 2005; số hộ cận nghèo còn 644 hộ, chiếm tỉ 4,36%.
Hộ nghèo dân tộc thiểu số có 356 hộ, chiếm tỉ lệ 4,21% so với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉ lệ giảm 80,79% so với tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số năm 2005.
Trước đây, gia đình ông Rơ Ông Ha Nam sống trong căn nhà tạm bợ, không đất sản xuất, thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê. Thế nên, cuộc sống của gia đình đầy khó khăn và lo toan.
Nhờ được vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Nam đã cải tạo đất, đầu tư mở rộng vườn cà phê. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cây giống, dụng cụ nông nghiệp nuôi tằm, giúp gia đình ông đa dạng hóa thu nhập.
Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc đã hỗ trợ thêm 50 triệu đồng giúp gia đình ông Nam xây nhà kiên cố, khang trang. Hiện nay, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập ổn định từ trồng cà phê và nuôi tằm.
"Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi đủ đầy hơn. Đây là động lực để những người khó khăn khác vươn lên thoát nghèo" - ông Nam chia sẻ thêm.
Tương tự, trước đây, gia đình chị Cơ Liêng K'Hoa, ở xã Đạ Long hết sức khó khăn, làm lụng vất vả nhưng vẫn đói nghèo, thiếu thốn.
"Sau khi được đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm đời sống của gia đình đã được cải thiện đáng kể. Con cái tôi được đi học đầy đủ, hiện tôi đang tích lũy để sửa lại căn nhà cấp 4" - chị Cơ Liêng K'Hoa chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đam Rông, nhìn lại hành trình hơn hai thập kỷ đã qua, huyện Đam Rông đã chứng minh rằng, với sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, không khó khăn nào là không thể vượt qua.
Những thay đổi rõ nét trong đời sống và diện mạo của huyện chính là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới tương lai bền vững trong thời gian tới.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ông Trương Hữu Đồng, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, từ khi thành lập, huyện đã đặt mục tiêu cải thiện hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững trong nhân dân.
"Mục tiêu của huyện là người dân phải có công ăn, việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững và an cư lạc nghiệp ngay trên quê hương của mình” - ông Đồng cho hay.
Để nâng cao đời sống người dân, công tác đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn được chú trọng. Hoạt động này đặc biệt hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số và bám sát các nghị quyết, chỉ thị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Các hình thức đào tạo nghề được thiết kế phù hợp với đặc thù địa phương, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân áp dụng hiệu quả vào sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện Đam Rông đã tập trung khai thác tiềm năng nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến sâu và thu hút đầu tư, tạo động lực cho vùng đất giàu bản sắc văn hóa phát triển.
Với phương châm “cho chiếc cần câu, không cho con cá,” huyện Đam Rông đã đổi mới đào tạo nghề, hiện đại và linh hoạt, nâng cao kỹ năng lao động để tự tạo việc làm và thích ứng công nghệ mới.
Huyện Đam Rông còn liên kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Mục tiêu lớn nhất là tạo sinh kế bền vững, giúp người dân, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống bền vững.
Năm 2024, huyện Đam Rông tổ chức 16 lớp dạy nghề cho hơn 300 học viên bao gồm 9 lớp về trồng dâu nuôi tằm và các lớp chăm sóc sầu riêng, sửa chữa máy nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, có cơ hội nâng cao sinh kế.
Cùng với đào tạo nghề, huyện Đam Rông đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai dự án tạo việc làm. Tiêu biểu, năm 2023, nhà máy ươm tơ tự động tại xã Đạ R’sal hoạt động, tạo việc làm cho 60 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
https://laodong.vn/xa-hoi/dau-an-20-nam-chuyen-minh-thoat-ngheo-o-dam-rong-1427921.ldo
BẢO TRUNG (BÁO LAO ĐỘNG)