Hạnh phúc cho lao động hồi hương
Trở về quê Đồng Tháp sau khoảng thời gian chật vật tại Bình Dương, thông qua kết nối, anh Nguyễn Văn Lượng (huyện Tháp Mười) vào làm việc tại bộ phận ủi, Công ty TNHH Đại Phát Garments. “Ở Bình Dương tôi luôn phải chịu áp lực “trọn gói”: Chi phí thuê trọ, tan ca gặp cảnh kẹt xe, thiếu vắng hơi ấm gia đình...” - anh Lượng chia sẻ.
Sau thời gian đấu tranh tư tưởng, anh Lượng mạnh dạn hồi hương, vào làm việc tại Công ty Đại Phát và nhanh chóng đạt được hiệu quả kép: Được nhận nhiều ưu đãi về chế độ, được sống gần cha mẹ, anh em... Nhờ chăm chỉ làm việc, anh Lượng thu nhập lên đến 13 - 14 triệu đồng/tháng. Với mặt bằng giá cả ở vùng nông thôn như huyện Tháp Mười, đây là mức thu nhập đủ để người lao động tích lũy và tự nguyện gắn bó lâu dài.
Cũng tại công ty này, chị Lê Thị Thảo Nhi (23 tuổi, huyện Tháp Mười) vừa được nhận vào làm việc ở khâu đóng gói cách đây 1 tuần. Thông qua ứng dụng mạng xã hội, chị Nhi được Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh Đồng Tháp kết nối việc làm. “Không chỉ có được việc làm gần nhà, mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng trước đó ở thành phố lớn tôi cũng không có được” - chị Nhi chia sẻ.
Đây là hai trong số hàng nghìn trường hợp NLĐ Đồng Tháp hồi hương tìm thấy hạnh phúc ngay quê nhà sau khi tỉnh đẩy mạnh chính sách kết nối lao động.
Ông Võ Văn Tân - Phó Giám đốc TTDVVL tỉnh Đồng Tháp - cho biết, trước thực trạng NLĐ làm việc ngoài tỉnh trở về quê hương nhưng chưa tìm được việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp tại chỗ lại khát lao động, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo đẩy mạnh tăng kết nối cung - cầu lao động.
Tiếp tục kết nối theo chiều sâu
Bà Nguyễn Thị Kim Hân - Giám đốc điều hành Công ty Đại Phát bày tỏ hài lòng về tinh thần, thái độ làm việc của NLĐ được kết nối thông qua TTDVVL tỉnh Đồng Tháp. Từ đó, Đại Phát mạnh dạn triển khai xây dựng cơ sở thứ 2 tại Đồng Tháp vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đó chỉ mới là sự khởi đầu của chiến lược giúp NLĐ tìm thấy việc làm hạnh phúc ngay tại quê nhà của tỉnh Đồng Tháp. Bởi không chỉ đẩy mạnh kết nối lao động làm việc trực tiếp ngay sau khi hồi hương, Đồng Tháp còn hướng tới tiếp nhận NLĐ với tầm nhìn dài hơi.
Bằng cách ban hành chủ trương hỗ trợ nhiều khoản chi phí, Đồng Tháp đã và đang thu hút LĐ có trình độ mạnh dạn hồi hương để tiếp tục học tập, mở rộng cơ hội tìm việc làm thu nhập ổn định và thậm chí là làm chủ trong tương lai.
Điển hình là trường hợp anh Nguyễn Văn Tú (sinh năm 2001, TP Hồng Ngự) đang là học viên Khóa 28 ngành Công nghệ ôtô tại TTDVVL tỉnh Đồng Tháp. “Khi biết thông tin TTDVVL tỉnh Đồng Tháp áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động hồi hương, như hỗ trợ 70% học phí, 2 bữa cơm, ký túc xá, xe đạp... tôi quyết định bỏ công việc lao động phổ thông ở Long An để về quê học nghề, vừa có cơ hội gần nhà, vừa có thêm cơ hội để vươn lên làm giàu trên chính quê hương” - anh Tú cho hay.
Trao đổi với Lao Động, ông Võ Văn Tân cho biết, những ngày tới, đơn vị sẽ tăng tốc mở cầu nối cho NLĐ hồi hương từ các tỉnh, thành Đông Nam Bộ với người sử dụng lao động trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động tăng vọt vào dịp cận Tết do hoạt động sản xuất khởi sắc.
“Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là cơ hội, là điều kiện tốt để lao động Đồng Tháp tìm thấy hạnh phúc ngay quê nhà” - ông Tân thông tin.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức được 23 phiên giao dịch việc làm, thu hút 358 đơn vị doanh nghiệp với hơn 6.800 lao động, học sinh tham dự. Thông qua các phiên giao dịch, đã giải quyết việc làm cho hơn 36.500 lao động. Đây được xem là thành tựu nổi bật của Đồng Tháp trong bối cảnh nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang nan giải với nghịch lý: DN khó tuyển được LĐ, trong khi đó, số NLĐ thiếu việc làm rất cao.
https://laodong.vn/cong-doan/dong-thap-tang-ket-noi-giup-lao-dong-co-viec-lam-tai-que-nha-1405221.ldo