Mỗi năm thu về hơn 1.000 tỉ đồng
Sau 10 năm (2014-2024) tái cơ cấu chương trình đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động), Đồng Tháp đã đưa hơn 15.000 lao động vươn ra biển lớn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Không chỉ đi làm việc tại nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao như Nhật Bản với 11.702 người, chiếm 76% so với tổng số lao động đã đưa đi; Đài Loan (Trung Quốc) 1.944 người, chiếm 13%; Hàn Quốc 1.184 chiếm 8%... mà còn mang về nguồn ngoại tệ lớn với bình quân 1.000 tỉ đồng/năm.
Đặc biệt vài năm gần đây, số lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài gia tăng đáng kể về số lượng lẫn chất lượng khi ngày càng có nhiều lao động sau khi hoàn thành hết hợp đồng làm việc tiếp tục gia hạn hoặc ký mới hợp đồng làm việc ở nước ngoài. Một số lao động sau khi tích lũy được số tiền khá lớn, bình quân trên dưới 1 tỉ đồng, còn tích lũy được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để khởi nghiệp tại quê nhà.
Điển hình như anh Nguyễn Chương Phi (huyện Cao Lãnh), sau khi đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản về đã mở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quang Vinh Food, chuyên chế biến trái cây, nông sản sấy. Công ty vừa giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập ổn định ở mức cao so mặt bằng vùng nông thôn, vừa góp phần nâng cao chất lượng và mở rộng đầu ra cho nông sản…
Tiếp tục nâng lên tầm cao mới
Nhận định trong bối cảnh mới, thị phần xuất khẩu lao động đang đặt ra nhiều thời cơ và thách thức, tỉnh Đồng Tháp đã đề ra nhiều giải pháp vừa khắc phục những hạn chế, tồn tại vừa vươn tới mở mới sang các thị phần tiềm năng.
Theo đó, bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, chú trọng phổ biến thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước và các đơn vị có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Đồng Tháp cũng tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý các văn phòng tuyển dụng lao động trái phép, hạn chế tình trạng lừa đảo thông tin qua mạng xã hội.
Song song đó, Đồng Tháp yêu cầu các ngành, các cấp chính quyền vận dụng tối đa các lợi thế để hỗ trợ người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như sau khi hết hạn hợp đồng về nước lập thân, khởi nghiệp.
Mặt khác, tỉnh cũng linh động xây dựng chính sách hỗ trợ công tác học và đào tạo nghề để tăng cường nguồn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường mới như Australia, Châu Âu… Đây được xem như cú hích hướng tới 2 mục tiêu: Vừa nâng cao thu nhập cho lao động, vừa tích lũy được tri thức, kỹ năng tiên tiến để nâng cao khả năng lập thân, lập nghiệp tại quê nhà theo phương châm "Đi làm thuê - Về làm chủ" sau khi kết thúc hợp đồng làm việc.
Để mục tiêu sớm trở thành hiện thực, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chỉ đạo các ban ngành chuyên môn đẩy nhanh tiến độ việc hoàn thiện chính sách mới về hỗ trợ tài chính như cho vay tín chấp, hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và khám sức khỏe. Đặc biệt, là chính sách cho vay vốn khởi nghiệp ưu đãi cho những lao động trở về có ý tưởng kinh doanh, góp phần thúc đẩy tỉ lệ khởi nghiệp thành công.
https://laodong.vn/cong-doan/dong-thap-day-manh-doi-moi-mo-rong-xuat-khau-lao-dong-1406436.ldo