Tạo mọi điều kiện để lao động được xuất khẩu
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Phú Yên, trong năm 2024, tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 27.000 lao động, trong đó tạo việc làm mới cho gần 6.000 lao động, vượt 16% kế hoạch giao; toàn tỉnh có 360 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Mục tiêu trong năm 2025, tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho 25.500 lao động.
Năm 2024, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên đã “bắt tay” hợp tác với quận Goryoeng (tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc) về việc phái cử và tiếp nhận lao động làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Tỉnh Phú Yên và chính quyền tỉnh Wakayama (Nhật Bản) đã tổ chức các đoàn công tác đến thăm và làm việc tại hai địa phương, nhằm thúc đẩy công tác đưa người lao động Phú Yên sang làm việc ở Nhật Bản.
Anh Nguyễn Văn Hàn (trú phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa) chia sẻ, với mong muốn nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế cho gia đình, anh Hàn đã quyết định sang làm việc tại Hàn Quốc. Quá trình hoàn thiện thủ tục, anh Hàn được các ngành chức năng tỉnh Phú Yên hỗ trợ tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi để anh Hàn xuất khẩu lao động.
Để người lao động dễ dàng tiếp cận được các vị trí, công việc phù hợp, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên tổ chức các điểm giao dịch việc làm, thu hút nhiều lao động đến tham gia, tìm hiểu thị trường lao động.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Năm 2024, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên đã triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án và hoạt động liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Tính đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 10.100 người, vượt kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng là 745 người; trung cấp là 1.774 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 7.678 người.
Đánh giá về thị trường lao động, ông Hoàng Minh Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc Phú Yên - cho rằng, trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi công nhân phải có tay nghề cao để phục vụ doanh nghiệp. Nắm bắt được xu hướng tuyển dụng, nhà trường đã xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề phù hợp xu thế công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nhà trường cũng điều chỉnh giáo trình đào tạo hằng năm để sát với thực tiễn.
Theo ông Hải, toàn tỉnh Phú Yên hiện có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh và dạy các ngành, nghề như: Hàn; tiện; sửa chữa ôtô; kỹ thuật lắp ráp máy tính; vận hành máy đào, máy ủi; may công nghiệp; may thời trang; uốn tóc; điện dân dụng, điện công nghiệp; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; kỹ thuật làm bánh Âu Á; gia công thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật chế biến các món ăn, kỹ thuật trồng trọt...
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đang tập trung giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đào tạo thông qua việc Ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp, mời các doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng sau mỗi khóa học... tạo thuận lợi cho người lao động tìm kiếm, tự tạo việc làm.
https://laodong.vn/cong-doan/chu-trong-dao-tao-nang-cao-tay-nghe-giup-lao-dong-tang-thu-nhap-1430515.ldo