Lao động không đi theo công ty phái cử từ Việt Nam
Trao đổi với PV Lao Động, ngày 24.12, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho hay, nhóm khoảng 150 lao động liên quan đến vụ việc này chủ yếu là kỹ sư, kỹ thuật viên, đi Nhật Bản không thông qua các doanh nghiệp phái cử từ Việt Nam.
Lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo 2 nguồn: 1 nguồn đi từ Việt Nam không thông qua các doanh nghiệp phái cử; nguồn thứ 2 là doanh nghiệp ở Nhật Bản tự tuyển dụng lao động tại Nhật Bản.
“Nhóm này đang bị nợ lương tháng 9 và tháng 10.2024. Trên thực tế, công ty sử dụng lao động đã thanh toán lương cho công ty phái cử Nhật Bản. Công ty phái cử chưa thanh toán cho người lao động. Cán bộ Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã xuống địa phương và hướng dẫn người lao động giải quyết theo trình tự”, ông Đặng Sỹ Dũng cho hay.
Ông Dũng cho biết thêm, việc doanh nghiệp Nhật Bản tuyển lao động trực tiếp từ Việt Nam diện kỹ sư, kỹ thuật viên là không khó khăn, lao động có thể xin visa trực tiếp thông qua đại sứ quán.
“Chỉ nhóm lao động phổ thông, làm việc tay chân do các công ty Việt Nam phái cử sẽ bắt buộc đi qua doanh nghiệp, nên có sự cố hay vấn đề gì sẽ dễ nắm bắt và giải quyết”, ông Dũng nói.
Hỗ trợ tối đa cho lao động
Theo ông Đặng Sỹ Dũng, trước mắt, Ban quản lý lao động tại Nhật Bản đã hỗ trợ gạo cho người lao động để nấu ăn; đồng thời hỗ trợ các thủ tục để người lao động khiếu kiện đòi quyền lợi của mình. Các cơ quan chức năng phải chờ công ty phái cử phải làm thủ tục phá sản để Nhà nước trả lương thay cho NLĐ bằng tài sản phong tỏa của đơn vị phái cử.
Hiện một nhóm lao động đã chuyển sang chủ sử dụng lao động mới, tháng 12 sẽ được lĩnh lương bình thường; nhóm còn lại đang tiếp tục khiếu nại khiếu kiện, Ban quản lý lao động tại Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành để giải quyết.
Trao đổi với phóng viên, trưa 24.12 từ Nhật Bản, ông Phan Tiến Hoàng - Trưởng Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - cho hay: “Đại sứ quán đang đốc thúc các cơ quan liên quan của Nhật Bản, yêu cầu công ty trả lương còn thiếu cho lao động Việt Nam. Trường hợp công ty không thể trả thì đẩy nhanh thủ tục để lao động được được nhận lương thông qua sử dụng chế độ trả nợ lương thay. Đồng thời, có hỗ trợ cụ thể và thiết thực đối với lao động ta để vượt qua khó khăn do chưa nhận được lương”.
Theo ông Phan Tiến Hoàng, hiện chưa có thống kê cụ thể số tiền lương BLĐ bị nợ vì cơ quan chức năng của Nhật đang tiến hành điều tra và thống kê.
Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, trong trường hợp công ty phái cử tuyên bố phá sản, cơ quan có thẩm quyền sẽ đóng băng tài khoản của công ty để tiến hành trả lương trước một phần cho người lao động. Nếu tiền trong tài khoản không đủ trả lương, chính quyền tỉnh sẽ chuyển sang chế độ Chính phủ trả nợ thay. Trong trường hợp chuyển sang chế độ Chính phủ trả nợ thay, người lao động sẽ được thanh toán tối đa là 80% của 3 tháng lương gần nhất. Đa số lao động bị nợ hai tháng lương.
https://laodong.vn/cong-doan/khoang-150-lao-dong-viet-nam-tai-nhat-ban-bi-no-luong-1440132.ldo