Lạng Sơn tận dụng trường học làm trụ sở xã mới sau sáp nhập
Lạng Sơn - Sau sáp nhập, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cán bộ, công chức ở tỉnh vùng biên xứ Lạng nỗ lực khắc phục, không để gián đoạn hoạt động.
Cán bộ xã ở Lạng Sơn phải mượn phòng học làm trụ sở làm việc sau sáp nhập. Ảnh: Đơn vị cung cấp
2 cơ quan, 2 điểm cách nhau gần 10km
Sau sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều xã ở tỉnh Lạng Sơn, nhất là các địa bàn vùng biên, đang đối mặt không ít khó khăn về trụ sở làm việc, điều kiện cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy.
Dù vậy, đội ngũ cán bộ, công chức địa phương vẫn nỗ lực khắc phục, quyết tâm không để gián đoạn công tác quản lý, phục vụ nhân dân.
Tại xã Hoàng Văn Thụ, trụ sở UBND xã được đặt tại địa điểm cũ của UBND xã Tân Mỹ, cạnh Quốc lộ 4A – tuyến đường huyết mạch nối Lạng Sơn – Cao Bằng. Tuy nhiên, trụ sở Đảng ủy xã lại nằm tại thôn Thuận Lợi, thuộc xã Hoàng Văn Thụ cũ, cách UBND xã gần 10 km.
Nhiều xã, phường mới hình thành phải sử dụng tạm trụ sở cũ hoặc chia nhỏ các cơ quan ra nhiều điểm, gây bất tiện trong chỉ đạo điều hành và tiếp dân.
Không ít cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều phần việc, di chuyển liên tục giữa các địa điểm cách xa nhau để giải quyết công việc, nhất là tại các xã miền núi, giao thông phức tạp.
Cán bộ, công chức xã Quan Sơn mượn tạm trụ sở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quan Sơn đặt bàn làm việc. Ảnh: Đơn vị cung cấp
“Ban đầu, chúng tôi cũng bỡ ngỡ vì thay đổi địa bàn, khối lượng công việc tăng. Nhưng xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, anh em động viên nhau làm thêm giờ, bám sát dân, kịp thời giải quyết thủ tục để người dân không bị ảnh hưởng", một công chức văn phòng ở xã Hoàng Văn Thụ cho hay.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xã Công Sơn, khi trụ sở Đảng ủy xã đặt tại thôn Bản Luận, xã Hòa Cư (cũ), còn UBND xã lại ở thôn Tồng Riền, xã Hải Yến (cũ), cách nhau tới 5 km.
Bà Hoàng Hải Yến – Phó Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn – chia sẻ: “Khoảng cách 5 km đúng là gây không ít trở ngại trong việc đi lại, trao đổi công việc, chuyển giao giấy tờ. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ số, nhiều khâu xử lý đã nhanh hơn trước”.
Công chức UBND xã Đồng Đăng mới giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Khánh Linh
Linh hoạt để không gián đoạn hoạt động
Tại xã Quan Sơn – hình thành từ sáp nhập xã Quan Sơn và xã Hữu Kiên (cũ), huyện Chi Lăng – cán bộ, công chức hiện phải mượn tạm Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Quan Sơn làm nơi làm việc.
“Chúng tôi phải mượn phòng học làm phòng làm việc cho cán bộ, công chức. Rất may, thời điểm này các cháu đang nghỉ hè,” ông Hoàng Đức Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Quan Sơn – cho hay.
Tuy nhiên, ông Bình thừa nhận đây chỉ là giải pháp tạm thời. Khi năm học mới bắt đầu, học sinh trở lại trường, phương án này sẽ không còn khả thi.
Trụ sở Đảng ủy - UBND Đồng Đăng mới là một trong số ít các trụ sở xã mới tập trung. Ảnh: Khánh Linh
Ông Dương Xuân Huyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – cho biết, không chỉ Lạng Sơn mà nhiều tỉnh miền núi khác cũng gặp khó khăn trong việc bố trí trụ sở sau sáp nhập. Trước mắt, tỉnh tận dụng trụ sở cũ của các xã để làm nơi làm việc tạm thời, bảo đảm duy trì hoạt động của chính quyền.
Bà Nguyễn Anh Yến – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn – thông tin: “Với đặc thù địa hình miền núi, việc sắp xếp trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND trên cùng một địa điểm gặp không ít trở ngại. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo các xã tận dụng điểm trường, nhà bán trú hoặc trạm y tế làm phòng làm việc cho cán bộ, công chức.”
Theo bà Yến, mặc dù còn nhiều vướng mắc, các xã mới vẫn đang linh hoạt xử lý để không gián đoạn hoạt động.
“Hiện nay, theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Lạng Sơn đang rà soát nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất tại các xã, đưa vào kế hoạch đầu tư công việc xây mới hoặc sửa chữa trụ sở, bảo đảm hoạt động ổn định cho các xã sau sáp nhập,” bà Yến cho biết.
https://laodong.vn/xa-hoi/lang-son-tan-dung-truong-hoc-lam-tru-so-xa-moi-sau-sap-nhap-1533733.ldo
Khánh Linh (báo lao động)