15 triệu người lao động tham gia BHYT
Ông Đoàn Quốc Dân - Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế - cho biết, qua 15 năm thực hiện Luật BHYT 2008, đến nay có 93,35% số người dân tham gia BHYT. Trong đó, số người lao động (NLĐ) tham gia BHYT thuộc nhóm do người sử dụng lao động và NLĐ đóng là khoảng 15 triệu người.
Năm 2023, thu BHYT khoảng 121.000 tỉ đồng (trong đó Nhà nước đóng khoảng 50%) và chi 124.000 tỉ đồng và còn dự phòng chi (theo quy định của pháp luật) cho năm 2024 gần 50.000 tỉ đồng.
Theo ông Dân, qua 15 năm thực hiện Luật BHYT, quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao.
Mục tiêu cụ thể khi sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này nhằm bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân...
Cần cơ chế để người lao động được hưởng quyền lợi BHYT
Góp ý cho dự thảo, nhiều cán bộ CĐ phản ánh tình trạng hiện nay một số nơi vẫn yêu cầu NLĐ phải xuất trình thẻ BHYT thay vì sử dụng các ứng dụng VssID (BHXH số) hay VneID; một số doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHYT dẫn đến NLĐ mặc dù đã phải đóng tiền BHYT cho doanh nghiệp nhưng lại không được hưởng quyền lợi về BHYT khi đi khám, chữa bệnh; tình trạng bệnh viện đấu thầu không được, dẫn đến NLĐ đã đóng BHYT nhưng vẫn phải mua thuốc bên ngoài để chữa trị bệnh…
Ông Trần Ngọc Vân - Phó Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương - cho biết, tại Bình Dương có nhiều trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH và BHYT. Do đó, NLĐ muốn chuyển sang đóng BHYT hộ gia đình nhưng lại bị từ chối do thuộc đối tượng đóng BHYT bắt buộc do người sử dụng lao động đóng, vì vậy NLĐ không có cơ hội hưởng chính sách BHYT.
“Quy định của pháp luật cần có chính sách để doanh nghiệp không được chậm đóng, trốn đóng BHYT vì điều này liên quan mật thiết đến quyền lợi của NLĐ và cần có cơ chế để NLĐ được được hưởng chế độ về BHYT, bảo đảm an sinh xã hội” - ông Vân nói.
Trao đổi thêm với các cán bộ công đoàn, ông Đoàn Quốc Dân - Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế - cho biết, hiện nay mới chỉ có một số tỉnh, thành thí điểm áp dụng dùng ứng dụng VssID hay VneID để thay thế thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh, do đó việc một số nơi vẫn yêu cầu NLĐ xuất trình thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh là đúng. Tuy nhiên, từ năm 2025 sẽ có các ứng dụng khác thay cho thẻ BHYT và được sử dụng rộng rãi trong cả nước.
Do sau dịch COVID-19, nhiều cán bộ ngành y tế vướng vòng lao lý do liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư y tế, nên công tác đấu thầu thuốc được thực hiện rất chặt chẽ. Thậm chí, có tỉnh mời cả chính quyền, công an, ngành BHXH tham gia hội đồng đấu thầu thuốc nhưng vẫn không mua được thuốc và có nhiều doanh nghiệp ngành dược không tham gia đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Ông Dân cũng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của cán bộ CĐ để việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân, người lao động khi tham gia BHYT.
https://laodong.vn/cong-doan/phai-dam-bao-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-khi-tham-gia-bao-hiem-y-te-1406608.ldo