Trả giá xứng đáng
Chị Vũ Quỳnh Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) là lãnh đạo cấp phòng của một doanh nghiệp FDI lớn, đóng tại Bắc Ninh.
Chị Mai cho hay, nhiều năm nay, ngoài tặng lương tháng 13, năm nào chị cũng tặng cho cô giúp việc đã gắn bó 5 năm 1 chỉ vàng. “Tôi nghĩ tôi trả giá xứng đáng cho sự hy sinh của người lao động. Gia đình tôi thường đi du lịch dịp Tết, cứ cúng giao thừa xong, sáng mồng 1 Tết là lên đường và chuyến đi thường kéo dài 1 tuần. Sau đó, tôi thu xếp cho cô giúp việc về quê 1 tuần, bắt đầu từ khoảng 13, 14 tháng Giêng Âm lịch. Cô nói rằm tháng Giêng ở quê Thanh Hóa ăn cỗ lớn, nên tôi tạo điều kiện hết sức” - chị Mai nói.
Chị Lê Thanh Hà (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là công chức cơ quan Nhà nước nhưng lại làm thêm phiên dịch tiếng Anh và mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà.
4 năm nay, nhà chị và người giúp việc thống nhất được lịch nghỉ Tết như sau: Từ 23 tháng Chạp, chị cho giúp việc về quê 3 ngày lo cúng ông Công ông Táo và sắm sửa Tết cho chồng con. Khoảng 26 Tết, cô giúp việc quay lại làm việc, chiều mồng 3 Tết cô lại về quê nghỉ Tết 1 tuần – đây cũng là quãng thời gian gia đình chị Hà đi du lịch.
“Tôi tặng cô 10 triệu đồng cho quãng thời gian làm xuyên Tết. Nhiều người nghĩ số tiền này lớn, làm mấy ngày hơn cả tháng lương, nhưng tôi không tiếc vì 2 lý do. Thứ nhất, ngày Tết muốn gọi thuê người làm việc nhà phát sinh gần như là không thể. Thứ 2, nếu có gọi được thì giá cũng trên trời. Thà tôi thỏa thuận để cô giúp việc vừa tăng thêm thu nhập, lại yên tâm vì cô đã quen việc, không phải cân đối, cắt đặt gì”, chị Hà cho hay.
Có “cung” sẽ có “cầu”
Nhận định về nhu cầu thuê giúp việc dịp Tết, bà Trần Thanh Tú, Giám đốc một trung tâm cung ứng nhân lực đóng tại quận Hoàn Mai (Hà Nội) cho hay, nhiều năm nay, rất nhiều gia đình tại Thủ đô có nhu cầu thuê giúp việc làm xuyên Tết.
“Với nhiều gia đình đã có sẵn giúp việc, không phải ai cũng chấp nhận ở lại làm việc Tết. Trong khi đó, có những gia đình quá bận rộn công việc hoặc con nhỏ, hoặc có người già ốm đau cần chăm sóc thì nhu cầu thuê người càng cao. Tết Nguyên đán 2024, từ đầu quý IV chúng tôi đã nhận hàng chục đặt hàng thuê người làm xuyên Tết. Tiền thù lao tùy vào nhu cầu của mỗi gia đình. Nếu chỉ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa thì thù lao trung bình khoảng 500.000 – 600.000 đồng/ngày; nếu chăm sóc người ốm, nuôi thú cưng, chăm sóc cây cảnh… thì giá có thể lên tới 1 triệu đồng/ngày”, bà Tú nói.
Cũng theo bà Tú, đa số người làm giúp việc dịp Tết ở lại làm việc vì muốn có thêm thu nhập hoặc là những người không quá ràng buộc chuyện gia đình ở quê (con cái trưởng thành; ly hôn hoặc chồng/vợ đã mất). Hầu hết người giúp việc ở lại làm dịp Tết, khi thanh toán, ngoài tiền công thường được chủ nhà mừng tuổi thêm.
“Năm ngoái, một nữ giúp việc do chúng tôi giới thiệu đến chăm sóc cho cụ ông hơn 90 tuổi ở quận Hoàn Kiếm. Tết đó các con cụ về đông đủ, gặp cô giúp việc chăm ông tận tình, ai cũng mừng tuổi cảm ơn. Vậy là ngoài thù lao đã thỏa thuận, riêng tiền mừng tuổi từ con cháu gia chủ, người lao động có thêm gần 6 triệu đồng, rất phấn khởi” - bà Tú kể lại.
Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, cuối năm, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng như Bán buôn, bán lẻ; Công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; Công nghệ thông tin; Xây dựng.
“Đặc biệt, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các DN đăng ký tuyển dụng lao động làm việc full time và part time với nhiều chỉ tiêu. Đối với vị trí việc làm part time, các DN không đòi hỏi nhiều về trình độ mà cần ứng viên có sức khỏe, chịu khó, tỉ mỉ. Đây là cơ hội cho những người lao động phổ thông, sinh viên đi làm thêm dịp Tết” – ông Vũ Quang Thành thông tin thêm.
https://laodong.vn/cong-doan/chu-nha-tang-ca-chi-vang-cho-giup-viec-o-lai-dip-tet-1437687.ldo