Chị Nguyễn Thị Cư đang hướng dẫn công nhân may. Ảnh: NVCC
Từ công nhân thành tổ trưởng
Chị Nguyễn Thị Cư hiện là Tổ trưởng sản xuất, Công ty Cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Chị Cư làm việc tại Công ty Cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long từ năm 2004, vị trí công nhân xưởng 1 - chuyên hàng dệt thoi, năm 2011, chị làm tổ trưởng tổ sản xuất. Năm 2014, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Gia đình chị Cư hiện sống tại Tổ dân phố Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
14 năm làm tổ trưởng sản xuất, chị Cư tích cực tham gia các lớp đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sắp xếp dây chuyền sản xuất do công ty tổ chức.
Nhờ đó, tập thể tổ nơi chị làm tổ trưởng đều được bình xét là tập thể tổ tiên tiến xuất sắc nhiều năm, tiền lương và thu nhập bình quân của người lao động trong tổ luôn đạt top 5 tổ có mức tiền lương cao (năm 2023 bình quân đạt 11,6 triệu đồng/người/tháng, mức bình quân của công ty là 11,2 triệu đồng/người/tháng).
Trưởng thành từ công nhân, nay đã thành tổ trưởng, chị Nguyễn Thị Cư càng hạnh phúc hơn trong ngày con trai tốt nghiệp đại học. Ảnh: NVCC
Chịu thương chịu khó, đi lên từ công nhân trực tiếp đứng máy, chị Cư được Hội đồng thi đua Công ty Cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long bình xét, suy tôn đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp công ty các năm 2016, 2018, 2021, 2022, 2023.
Yêu công việc, ham học hỏi, gắn bó với công ty, chị Cư có nhiều sáng kiến trong quá trình làm việc. Trong đó, tiêu biểu nhất là sáng kiến hướng dẫn thay đổi cách may khi bộ phận kỹ thuật hướng dẫn thay đổi cách thức, thao tác may.
Có chồng làm cùng công ty, chị Cư còn hạnh phúc hơn bởi 2 con trai ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Con trai lớn của chị sinh năm 2002, đã tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, hiện đang là giáo viên dạy cho các trung tâm thể thao tại Hà Nội; con trai thứ 2 đang học lớp 11, chăm ngoan, giúp đỡ cha mẹ việc nhà…
Nỗ lực xây nhà ở Thủ đô
Chị Nguyễn Thị Báu quê ở thị trấn Thứa, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Năm 2000, chị Báu xuống Hà Nội, làm công nhân tại một công ty trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Tại đây, chị gặp và nên duyên vợ chồng với anh Nguyễn Văn Thắng, quê huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên).
Hơn 20 năm gắn bó với công ty, chăm chỉ làm ăn, tích góp, trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, vợ chồng chị Báu kịp khánh thành căn nhà mơ ước.
“Tôi cưới chồng năm 2003. Vợ chồng tôi xác định sẽ xây dựng kinh tế vài năm rồi mới sinh con. Lương công nhân, chúng tôi thống nhất chi tiêu tằn tiện lương của chồng, lương của tôi và tiền thưởng lễ, tết sẽ gửi ngân hàng. Bố mẹ hai bên thường xuyên gửi gạo, đồ ăn, rau củ… nên chúng tôi đỡ được nhiều chi phí. Được 3 năm, khi tôi có bầu con lớn, sổ tiết kiệm cũng có gần 300 triệu đồng cả gốc cả lãi. Tôi về quê ngoại sinh con đúng lúc người họ hàng bán mảnh đất đang sinh sống để vào Nam sống cùng con cái. Giá bán gần 500 triệu đồng, họ cho tôi trả trước 300 triệu đồng, 1 năm sau trả nốt số tiền còn lại”, chị Báu kể lại.
Quyết tâm không vay ngân hàng, vợ chồng chị Báu tiếp tục tiết kiệm 1 suất lương, cuối năm 2007, bố mẹ hai bên cho vay thêm tiền, chị đủ tiền trả dứt điểm mảnh đất ở quê.
Năm 2012, chị sinh thêm con thứ 2. Khi các con đến tuổi ăn học, anh chị tích cực tăng ca, vẫn mục tiêu sống tiết kiệm. Ngoài giờ làm, anh Thắng chịu khó nhập thêm chè, gà đồi từ quê xuống bán. Công việc tay trái mang lại cho anh chị khoản thu đều đặn khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Năm 2019, chị Báu được đồng nghiệp giới thiệu 1 mảnh đất gần 50m2 trong ngõ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) với giá 1,3 tỉ đồng. Chị gọi về quê, mảnh đất của anh chị có thể bán được gần 2 tỉ đồng. “Tôi bán mảnh đất ở quê, mua mảnh đất ở Hà Nội. Số tiền còn dư, tôi gửi ngân hàng, tiếp tục gửi thêm mỗi tháng 1 ít. Đầu năm 2023, tôi có đủ tiền xây căn nhà 2 tầng trên mảnh đất ở Hà Nội”, chị Báu chia sẻ.