Thời sự
Cập nhật lúc 04:55 13/02/2025 (GMT+7)
Đề xuất cơ chế để tránh đình trệ khi chờ sửa luật

Về quy định Chính phủ và ngành tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn xử lý phát sinh khi luật chưa kịp sửa đổi, đại biểu Quốc hội đề nghị cần áp dụng thủ tục rút gọn.

Tạo cơ sở pháp lý cho quá trình sắp xếp bộ máy nhà nước

Sáng 13.2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo.

Đại biểu Tô Văn Tám - đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhấn mạnh, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy đang được thực hiện theo chủ trương của Đảng, với tiến độ rất nhanh. Do đó, việc ban hành Nghị quyết là rất quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình sắp xếp từ Trung ương đến cơ sở.

Trong quá trình sắp xếp sẽ phát sinh nhiều vấn đề, không tránh khỏi những khoảng trống pháp lý do chưa thể sửa đổi tất cả các luật cùng lúc. Vì vậy, cần có Nghị quyết để làm cơ sở triển khai, đồng thời đảm bảo hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, không ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại.

Đại biểu Tô Văn Tám - đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh Bảo Bình
Theo đại biểu Tô Văn Tám - đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - trong quá trình sắp xếp sẽ không tránh khỏi những khoảng trống pháp lý do chưa thể sửa đổi tất cả các luật cùng lúc. Ảnh Bảo Bình

Đề cập đến Khoản 6, Điều 4 của Dự thảo, đại biểu Tô Văn Tám tán thành với quy định về giám sát, kiểm sát, kiểm toán và kiểm tra đối với các cơ quan được thành lập hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề, quy định này đã bao quát hết các tình huống có thể xảy ra chưa?

"Nhiều cơ quan sau khi sắp xếp có thể thôi hoạt động, kết thúc hoạt động, nhập lại, chuyển chức năng nhiệm vụ. Như lực lượng công an, khi sắp xếp lại sẽ theo hướng không còn cấp huyện mà chuyển nhiệm vụ về cấp xã. Nếu công an không còn cấp huyện, vậy việc kiểm sát, xét xử các vụ việc thuộc tòa án cấp huyện thì xử lý như thế nào, đã bao quát hết hay chưa, đề nghị rà soát thêm để rõ các quy định", ông Tám nêu ví dụ.

Đại biểu Tô Văn Tám bày tỏ đồng tình cao với Điều 13 của Dự thảo, vì điều này cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành các văn bản hướng dẫn xử lý những vấn đề phát sinh khi Quốc hội chưa kịp ban hành luật sửa đổi. "Tuy nhiên, khi Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành những văn bản như vậy, cũng cần được áp dụng theo thủ tục rút gọn để đảm bảo tiến độ triển khai", ông Tám nói.

Đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện Nghị quyết

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Thanh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kon Tum, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết để đảm bảo việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước diễn ra suôn sẻ, không gây gián đoạn công việc.

Ông Thanh cũng cho rằng Nghị quyết cần có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua, thay vì từ ngày 1.3.2025 như dự thảo. Điều này nhằm đảm bảo nguyên tắc không làm gián đoạn hoạt động của bộ máy nhà nước và đời sống xã hội.

Về thời gian thực hiện, Dự thảo xác định hiệu lực trong 2 năm (đến hết ngày 28.2.2027). Tuy nhiên, ông Thanh nhận định đây là khoảng thời gian quá gấp, vì trong vòng 2 năm, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải hoàn thiện hàng loạt văn bản pháp luật để thực hiện việc sắp xếp bộ máy. "Áp lực này sẽ rất lớn, đặc biệt đối với Chính phủ", ông Thanh nói.

Do đó, ông đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết lên ít nhất 3 năm, hoặc đến năm 2029, để đảm bảo việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật diễn ra chu đáo trước khi bước vào nhiệm kỳ 2030-2035.

https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-co-che-de-tranh-dinh-tre-khi-cho-sua-luat-1462501.ldo

NHÓM PV (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: