Người trẻ loay hoay trả lời câu hỏi: Bám trụ lại thành phố hay về quê?
Lựa chọn ở thành phố hay về quê lập nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học là quyết định khó khăn đối với nhiều người trẻ.
Loay hoay tìm định hướng
4 năm học tại trường đại học, Bùi Thị Hồng Huế - sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chưa từng làm thêm công việc nào liên quan đến chuyên ngành đang theo đuổi.
Những tháng cuối cùng ngồi trên giảng đường, Huế rơi vào trạng thái mơ hồ, mất định hướng về công việc tương lai.
Nếu cố bám trụ lại Thủ đô, Huế sẽ tiếp tục công việc hiện tại là làm ở cửa hàng thời trang. Nhưng với mức lương 5 triệu đồng/tháng thực sự không đủ cho chi phí sinh hoạt, chưa nói đến tích lũy.
Nếu về quê, cô bạn sẽ sống cùng bố mẹ, không phải lo những khoản tiền cố định hàng tháng như tiền nhà, tiền điện, tiền nước… nhưng cuộc sống lại có đôi chút tẻ nhạt, ít cơ hội việc làm.
“Khi quyết định học đại học, gia đình đã đặt kỳ vọng rất lớn vào em, chính vì vậy càng thêm áp lực. Chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp, em vẫn chưa đưa ra quyết định cho tương lai” - Hồng Huế lo lắng.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, Đặng Thanh Ngọc – sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, trong khi các bạn đồng trang lứa đã đi làm từ năm nhất, năm 2, thậm chí có thể tự kiếm tiền lo cho bản thân thì Ngọc chưa từng làm thêm bất cứ công việc nào.
Không đam mê với ngành học hiện tại, Ngọc loay hoay tìm hướng đi mới. Đến thời điểm này, nữ sinh quyết định ra trường sẽ định hướng lại công việc, học thêm ngành nghề khác. Tuy nhiên, em vẫn chưa biết chính xác sở trường, đam mê của mình nên để "thuận tự nhiên".
Cần có sự chuẩn bị kỹ càng
Dành lời khuyên cho sinh viên, ông Dương Văn Bá – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại Học Hòa Bình cho rằng, các bạn phải tự lượng sức mình, nếu không đủ năng lực để ở lại thành phố thì hãy về tỉnh làm công việc theo năng lực chuyên môn.
Đối với những bạn đang "ôm mộng" lập nghiệp cần đầu tư học tập, sau đó thực chiến, làm thành thạo công việc. Phải đi làm để có kỹ năng về nghề nghiệp, có góc nhìn về triển khai công việc, có kinh nghiệm quản lý rồi mới "làm chủ" thành công.
Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp của mình, Nguyễn Thế Anh - chủ nhà vườn Hoa Hồng Anh (Hà Nội) cho biết - bản thân học ngành Kỹ thuật trắc địa – bản đồ, anh đã ứng dụng kiến thức trong trường đại học cùng kinh nghiệm tích lũy, nghiên cứu khi đi làm để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sau 8 năm mở rộng kinh doanh, sản xuất hoa, Thế Anh đã gây dựng được thương hiệu, "có tiếng" trên các trang mạng xã hội, thu về lợi nhuận cao.
Dành lời khuyên cho các bạn trẻ đang hoang mang với câu hỏi: "Bám trụ lại thành phố hay về quê lập nghiệp?", Thế Anh khẳng định, quan trọng là các bạn phải học, làm và trải nghiệm. Việc bỏ phố về quê hay bám trụ lại thành phố phải xuất phát từ mong muốn, dự tính và cả quá trình nỗ lực.
"Các bạn phải xác định mục tiêu, sau đó lên kế hoạch, thực hiện và phát triển. Phải làm, trải nghiệm, có vấp ngã mới có trưởng thành, quan trọng là chuẩn bị kỹ về mọi mặt" - Thế Anh chia sẻ.
https://laodong.vn/ban-doc/nguoi-tre-loay-hoay-tra-loi-cau-hoi-bam-tru-lai-thanh-pho-hay-ve-que-1150108.ldo
PHÙNG NHUNG (báo lao động)