Bộ Nội vụ thông tin về định mức biên chế công chức
Hiện, việc đưa ra tiêu chí, yêu cầu để xác định định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính là rất khó.
Định mức số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm từ các tỉnh, thành phố, địa phương trong thời gian qua.
Theo tìm hiểu ngày 23.12 của PV Lao Động, các tỉnh: Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ngãi, thành phố Hải Phòng đã đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP; hướng dẫn về định mức số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Phản hồi đề nghị này, Bộ Nội vụ cho biết, để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, năm 2023 Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10.7.2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28.2.2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ đã chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP theo lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương đánh giá, tổng kết để đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 Luật nêu trên; đồng thời làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP theo quy định.
Về hướng dẫn định mức biên chế công chức, Bộ Nội vụ cho biết, đây là nhiệm vụ Chính phủ đã giao cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP hướng dẫn cùng với vị trí việc làm.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW không đặt ra vấn đề hướng dẫn định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính.
Hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 71-QĐ/TW, theo đó biên chế công chức giai đoạn 2022-2026 giảm 5% so với năm 2021.
Mặt khác, trong quá trình triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn, nhiều bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã có ý kiến việc đưa ra tiêu chí, yêu cầu để xác định định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính là rất khó.
Theo đó, trong thời gian tới khi sửa đổi Nghị định số 62/2020/NĐ-CP sẽ nghiên cứu để đưa nội dung hướng dẫn về định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính ra khỏi nhiệm vụ của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Về hướng dẫn định mức số lượng người làm việc là nhiệm vụ được giao cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 38/NQ-CP, Bộ Nội vụ ghi nhận ý kiến của địa phương và tiếp tục đôn đốc các bộ khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn, làm cơ sở để các địa phương tổ chức thực hiện.
https://laodong.vn/thoi-su/bo-noi-vu-thong-tin-ve-dinh-muc-bien-che-cong-chuc-1439178.ldo
HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)