Luật sư Nguyễn Ngọc Linh – Luật sư Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả lời như sau:
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động.
Thời gian làm việc: Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau:
- 14 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ phép năm dài hơn so với những người làm công việc bình thường.
Ngoài ra người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm còn có một số các quyền lợi chế độ khác như sau:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định đối với người lao động cao tuổi: Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Đối với người lao động là người khuyết tật: Khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động không được phép sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
Đối với người học nghề, tập nghề trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người chưa đủ 18 tuổi sẽ không được người sử dụng lao động tuyển dụng để học nghề, tập nghề đối với những công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-lam-cong-viec-doc-hai-duoc-nghi-phep-nhieu-hon-1406690.ldo