Công nhân trở lại thành phố làm việc sau Tết. Ảnh: Hải Nguyễn
“Thu hoạch” cả rau của nhà họ hàng
Năm thứ 2 được xe Công đoàn đón trở lại làm việc, gia đình anh Mai Văn Quý, công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam tranh thủ mang thực phẩm và rau xanh theo. Nhà không gần nơi tập kết nên gia đình Quý đến nhà họ hàng ở nhờ trước đó 1 ngày.
Vì vậy số thực phẩm muốn mang về thành phố được gửi đến nhà họ hàng, nhờ cấp đông rồi đóng thùng xốp trước. Vợ chồng, con cái chỉ xách theo túi các loại rau. Có những loại rau hái ở vườn nhà. Có loại rau anh Quý hái ở nhà họ hàng - nơi gia đình anh ở nhờ gần điểm xe đón.
“Thực phẩm cấp đông thì có thể mang nhiều nhưng rau xanh sẽ khó để lâu nên cũng mang chừng mực, chỉ là thấy luống rau của nhà họ hàng tốt quá nên “thu hoạch” thêm một ít mang đi. Họ hàng cứ giục cắt thêm nhiều nữa nhưng rau xanh khó bảo quản, mang đi dễ hỏng lại không dùng được. Ngần đấy đồ cũng đủ không phải lo tiền chợ cho tuần ngay sau kì nghỉ” - anh Quý nói.
Hành trang trở lại thành phố của gia đình chị Trương Thị Hạnh, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long cũng có thực phẩm và rau xanh. Chỉ khác là chị Hạnh cùng 3 con đi xe ôtô của Công đoàn, còn chồng chị đi xe máy chở thực phẩm, rau củ từ quê Thanh Hóa ra Hà Nội trước.
Chồng chị Hạnh cũng là công nhân nhưng làm cho 1 công ty tư nhân. Thu nhập 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, gồm cả tiền tăng ca của chị Hạnh. Để tiết kiệm tiền chợ, vợ chồng chị mang ít thịt lợn, rau củ ra Hà Nội. Những thực phẩm này giúp vợ chồng chị đỡ tất bật đi chợ trong tuần đầu làm việc trở lại, khi giá cả ngoài chợ cũng tăng ít nhiều.
Quê Nghệ An, chị Hoàng Thị Minh Nguyệt ra Hà Nội làm 11 năm. 11 cái Tết, khi trở lại thành phố làm việc, chị Nguyệt luôn mang theo thịt, cá, rau các loại. Khi chưa lập gia đình, trong hành lý về thành phố làm việc của chị Nguyệt có cặp bánh tét, túi kẹo cu đơ và một số đồ ăn vặt còn lại sau Tết. Giờ, có 2 con, năm nào vợ chồng chị cũng được bố mẹ 2 bên chuẩn bị cho gạo, thịt lợn, thịt gà, các loại rau.
Thực phẩm tươi sống được chuẩn bị 1 ngày trước khi lên đường, gồm công đoạn làm sạch, cấp đông, đóng thùng xốp. Rau thì phân loại, cho vào từng túi rồi dồn vào tải. Có lần ra đến Hà Nội, một số túi rau bị dập, phải tranh thủ ăn trước. Chị Nguyệt cho biết, số thực phẩm mang ra thường ăn được trong 2 tuần. Việc đầu tiên về đến nhà trọ là xếp đồ vào tủ lạnh.
“Vất vả một chút lúc mang đi nhưng lại tiết kiệm được một khoản. Hơn thế tuần đầu trở lại làm việc không phải mất thời gian chợ búa” - chị Hoàng Thị Minh Nguyệt chia sẻ. Tối trước khi đi ngủ, chị Nguyệt bỏ thực phẩm từ ngăn đông sang ngăn mát. Hôm sau đi làm về là có thể mang ra chế biến bình thường. Đi ca thì đã có 1 bữa cơm ca ở công ty. Chiều vợ hoặc chồng về trước sẽ cắm cơm, nhặt rau...
Mâm cơm gia đình của chị Trương Thị Hạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thêm bữa cơm Tết ở nhà trọ
Năm nào cũng vậy, ngày đầu tiên trở lại hầu như xóm trọ cũng có cảnh các nhà hỏi nhau tủ lạnh còn chỗ không để gửi nhờ cái này, cái kia. Vui hơn nữa là mấy gia đình, có khi cả dãy trọ xúm lại liên hoan, gọi là thêm “bữa cơm Tết ở nhà trọ”. Những đặc sản quê nhà được góp lại để cùng nhau ôn lại năm cũ, kể về cái Tết vừa qua và nói về giấc mơ của năm mới.
Như năm nay, một dãy nhà trọ ở xã Võng La (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), “bữa cơm Tết ở nhà trọ” có giò me của Nghệ An, có bánh sắn Phú Thọ, có nem chua Thanh Hóa, có rau lang Tuyên Quang... Anh Nguyễn Văn Bình, công nhân trọ ở đây 6 năm kể lúc quây quần với nhau như vậy có cảm giác như đang sống trong không khí gia đình. Bình thường, hàng ngày tối lửa tắt đèn có nhau; có lúc mượn tạm tiền để đóng viện phí cho con hay gửi về quê vì có việc gấp. “Nghỉ Tết năm nay 9 ngày, khi gặp lại thấy nhớ nhớ thương thương, nhất là bọn trẻ vốn rất quấn quýt” - anh Bình nói.
Trở lại thành phố, guồng quay mưu sinh kiếm sống lại bắt đầu. Trước mắt là những ngày làm việc chăm chỉ để kiếm thêm thu nhập, gửi về giúp đỡ gia đình, lo cho bản thân và các con. Mỗi bữa cơm đầu năm bên nhau của những công nhân gắn kết bền chặt hơn dù mỗi người một hoàn cảnh, một nơi sinh ra.
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bua-com-khi-tro-lai-thanh-pho-van-am-vi-que-nha-1459751.ldo