Công ty Garmex Sài Gòn - một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có tiếng ở TPHCM - có doanh thu hợp nhất vỏn vẹn 73 triệu đồng quý III/2023, nối dài 5 quý liên tiếp khó khăn. Đáng chú ý, đi cùng với đơn hàng bị cắt giảm, tính đến cuối tháng 9.2023, Garmex Sài Gòn từ lúc có tới 3.700 lao động thì chỉ còn 37 nhân sự. Đỉnh điểm là hình ảnh một công nhân phải về quê trong nước mắt khi trong túi chỉ còn vẻn vẹn 900.000 đồng.
Câu chuyện ngược lại ở Nghệ An. Công ty Viet Glory cũng trong lĩnh vực dệt may, đóng tại Diễn Châu có tới 6.000 lao động. Từ đầu năm 2023 đã cố gắng có đơn hàng và để đáp ứng yêu cầu của khách, công ty phải tính đến chuyện tăng ca, tăng sản lượng. Và để phản đối chuyện này, gần 5.000 công nhân đã đồng loạt ngừng việc tập thể, gây áp lực.
Sự vào cuộc kịp thời của tổ chức Công đoàn cùng một số giải pháp cải thiện các chế độ đã hạ nhiệt được vấn đề. Gần 5.000 công nhân đã đi làm trở lại và 11 người đã bị sa thải do phát hiện có hành vi kích động người lao động.
Hai câu chuyện trên cho thấy, điều quan trọng nhất hiện nay đối với người lao động, nhất là ở lĩnh vực có nguy cơ thiếu đơn hàng chính là: Có việc làm ổn định. Trong khi doanh nghiệp cần cố gắng mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, thậm chí chấp nhận thua lỗ để công nhân có việc thì người lao động cũng cần chia sẻ những khó khăn ấy để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có khỏe thì mới đủ tiềm lực, vật lực chăm lo, tạo ra những phúc lợi cho người lao động.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động là mục tiêu không thể tách rời trong quá trình phát triển.
Quan tâm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về tiêu chuẩn, an toàn lao động, an sinh, phúc lợi xã hội, dân chủ ở cơ sở sẽ hạn chế tối đa tranh chấp lao động. Đặc biệt sẽ hạn chế được phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự tại những nơi tập trung người lao động.
Vai trò của tổ chức Công đoàn là rất lớn. Vừa phải làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động vừa đồng hành, chia sẻ những khó khăn nội tại của doanh nghiệp.
Để làm tốt điều này, doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp; phối hợp phát triển doanh nghiệp, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” không chỉ là một danh hiệu mà còn là trách nhiệm, là những điển hình kinh nghiệm hay, sáng tạo để mỗi doanh nghiệp có thể vận dụng cho chính mình trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thực chất vì doanh nghiệp và cũng vì người lao động.
Theo Lao động