Lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Bộ Luật lao động (sửa đổi)
Đó là nội dung Hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào sáng 29.8, tại Hà Nội, với sự chủ trì của đồng chí Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ảnh: Báo Lao động
Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch TLĐ Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, Luật Công doàn và Bộ luật Lao động (sửa đổi) là hai đạo luật quan trọng, liên quan mật thiết đến NLĐ và tổ chức Công đoàn. Việc sửa Luật Công đoàn tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để tổ chức Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Đối với Bộ luật Lao động (sửa đổi), việc sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hiện nay, Dự thảo có nhiều vấn đề mới, còn nhiều quan điểm khác nhau cần thảo luận.
Trình bày dự thảo Tờ trình Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), đồng chí Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động TLĐ nêu, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) chỉ điều chỉnh tổ chức Công đoàn Việt Nam, không điều chỉnh tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Vì vậy, một trong những đề xuất sửa đổi sẽ là đổi tên Luật Công đoàn thành Luật Công đoàn Việt Nam.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quyền gia nhập công đoàn với người lao động là người nước ngoài; mở rộng quyền gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp…; sửa đổi nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn; cơ cấu tổ chức của Công đoàn Việt Nam; cơ chế bảo vệ công đoàn; quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở...
Tại hội thảo, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ, giải thích từ ngữ về “nghiệp đoàn cơ sở”, “tài sản công đoàn”; minh bạch vị thế của đoàn viên CĐ là công dân Việt Nam và đoàn viên CĐ là người nước ngoài cũng như cần tính đến việc người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được kết nạp vào CĐVN nhưng họ đồng thời cũng là thành viên của tổ chức Công đoàn trên đất nước của họ…; bao quát, khu biệt được các hành vi chống Công đoàn trong quan hệ lao động…
Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đ.L