Trang chủChuyên đềAn toàn vệ sinh lao động
An toàn vệ sinh lao động
Cập nhật lúc 09:29 04/01/2024 (GMT+7)
Góp phần bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong nông nghiệp

Công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong ngành Nông nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm được ngành, Công đoàn ngành quan tâm thúc đẩy trong nhiều năm qua.

Nguy cơ mất an toàn trong sản xuất, nhất là ngành Cà phê

Những năm qua, quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra mạnh mẽ. Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp thuộc Bộ đã chuyển đổi hình thức sở hữu, trừ một số doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích của ngành.

Theo đồng chí Hà Tiến Dũng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Công đoàn NN&PTNT Việt Nam, đơn vị hiện quản lý 200 công đoàn cơ sở trực thuộc và 12 công đoàn cấp trên cơ sở (với khoảng 300 công đoàn cơ sở).

Dù mô hình quản trị và sở hữu thay đổi nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn giữ truyền thống sản xuất kinh doanh. Điều kiện làm việc của người lao động cũng rất đặc thù, đa ngành, đa nghề, như nuôi trồng và chế biến thủy sản, xây dựng thủy lợi, thủy điện, cơ khí, xây dựng dân dụng, chế biến lương thực thực phẩm, trồng và chế biến cà phê, chè, rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Góp phần bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong nông nghiệp
Lớp tập huấn an toàn lao động cho hơn 100 người lao động Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam. Ảnh: Hải Đăng

Các đơn vị thuộc ngành Cà phê hiện vẫn chủ yếu trồng và sơ chế cà phê ở dạng thô, có giá trị thấp, phụ thuộc rất lớn vào thị trường. Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động như: địa bàn làm việc của công nhân chủ yếu là khu vực rừng núi, đi lại khó khăn, phải đối mặt với với thiên tai, bão lũ,…

Trong quá trình trồng và chăm sóc cây cà phê, công nhân thường xuyên phải vận hành và sử dụng các dụng cụ làm việc thô sơ, hoặc các phương tiện làm việc cơ khí như máy cày, máy cắt cỏ hoặc các hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu) dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động và nhiễm độc cao.

Hầu hết các đơn vị thuộc ngành Cà phê hoạt động ở khu vực Tây Nguyên, công nhân lao động chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, lao động tự do di cư từ các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc. Phần lớn trình độ học vấn còn thấp, dẫn đến nhận thức còn nhiều hạn chế; người lao động cũng còn giữ một số phong tục tập quán lạc hậu. Những đặc điểm này ảnh hưởng rất lớn đến công tác ATVSLĐ.

Vai trò của công đoàn ngành

Trước thực trạng trên, công đoàn đã tham mưu Hội đồng Bảo hộ lao động của Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt Luật ATVSLĐ và các văn bản pháp luật có liên quan. Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, Công đoàn NN&PTNT Việt Nam hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch đảm bảo ATVSLĐ, chú trọng giải pháp phòng ngừa gắn với đặc thù của ngành nghề, địa phương. Đôn đốc các đơn vị thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về Nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”; Chỉ thị số 04/CT-TLĐ ngày 3/3/2017 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”...

Công đoàn ngành cũng chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra hoặc phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ ở các lĩnh vực, nghề nghiệp có nguy cơ mất an toàn cao; kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Thông qua kiểm tra, giám sát, Công đoàn NN&PTNT Việt Nam đã kiến nghị các đơn vị có giải pháp khắc phục tồn tại; đề xuất Hội đồng Bảo hộ lao động và cơ quan chức năng các chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Riêng ngành Cà phê đã từng bước áp dụng các giải pháp đáp ứng yêu cầu “sản xuất xanh”, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân hữu cơ, cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư nâng cấp trang thiết bị máy móc để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động cho người lao động. Các nhà khoa học nghiên cứu lai tạo các giống cà phê năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và các tác động của biến động thời tiết, môi trường…

Ngành NN&PTNT và Công đoàn NN&PTNT Việt Nam cũng kiến nghị chính quyền các địa phương có chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân, người lao động ngành Cà phê. Chú trọng đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, thông tin liên lạc, đường sá để người đồng bào dân tộc thiểu số và lao động di cư được an cư lạc nghiệp. Việc tạo ra môi trường sống, điều kiện sinh hoạt thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa công nhân là người bản địa với lao động di cư.

Góp phần bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong nông nghiệp
Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu công tác ATVSLĐ trong chuỗi cà phê. Ảnh: Mai An.

Kết quả và nhiệm vụ thời gian tới

Với những nỗ lực trên, công tác ATVSLĐ được các doanh nghiệp trong ngành duy trì, hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong 5 năm (2018 - 2023), số vụ tai nạn lao động nặng, gây chết người và số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng giảm, trung bình hàng năm chỉ từ 5 - 6 vụ, trong đó phần lớn là tai nạn lao động nhẹ và tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động. Trong ngành hầu như không có người mắc bệnh nghề nghiệp.

Theo đồng chí Hà Tiến Dũng, thời gian tới, ngành NN&PTNT và Công đoàn ngành NN&PTNT Việt Nam tiếp tục chú trọng phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT các địa phương rà soát điều kiện làm việc của các ngành nghề, đề xuất nghiên cứu bổ sung một số bệnh nghề nghiệp của một số nghề, nhóm ngành vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Công đoàn các cấp tham mưu cho các cấp ủy Đảng chỉ đạo chính quyền đồng cấp, đoàn thể gồm Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện công tác ATVSLĐ, thăm hỏi động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động…

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện hàng loạt sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, hạn chế tai nạn lao động trong nông nghiệp và phòng tránh sớm những rủi ro cho người lao động khi tham gia sản xuất. Cục An toàn lao động (Bộ Y tế) đã sớm xây dựng mô hình kết hợp các dịch vụ y tế lao động và cải thiện điều kiện lao động trong nông nghiệp (WIND), giúp người lao động trong lĩnh vực này hiểu một số bệnh, tai nạn lao động hay gặp và các biện pháp dự phòng.

Ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nâng cao kiến thức về ATVSLĐ cho nông dân, tập trung vào việc chăm sóc và bảo vệ cây trồng; nhận diện nguy cơ trong nông nghiệp, trang bị kiến thức về bảo đảm an toàn trong sử dụng máy kéo, máy làm đất, máy gieo trồng, máy thu hoạch và vận chuyển nông sản ở nông thôn, một số loại máy cố định (máy đập lúa, máy xay xát gạo, bơm nước, máy nghiền, trộn thức ăn gia súc…) và các biện pháp xử lý tai nạn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp.

Theo Tạp chí LĐ và CĐ

In
Về đầu
Lượt truy cập: