Mỗi lần nhớ về người bố đã khuất, chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Công đoàn cơ sở Văn phòng I Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn nhớ về hình ảnh bố mình bặm môi, ngực loang lổ vết máu ở phòng cấp cứu, vẫn nhận lỗi tai nạn do mình chủ quan.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn kể về ký ức buồn của gia đình khi bố chị bị tai nạn lao động. Ảnh: Thu Chinh
|
Những năm 90 của thế kỷ trước, bố chị Hoàn là công nhân xếp dỡ thuộc Cảng Hải Phòng. Xếp dỡ hàng hóa là công việc được thực hiện liên tục hằng ngày để đảm bảo tiến độ tàu cập và xuất bến. Đặc thù của công nhân xếp dỡ là làm việc ca kíp, liên tục 24/24 giờ, không kể ngày đêm, lễ, Tết. Điều kiện làm việc đặc thù, luôn phải đảm bảo quân số để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Vì vậy, công việc này được xếp vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
"Trước khi bị tai nạn lao động, bố tôi luôn là người dẫn đầu trong phong trào thi đua sản xuất, năm nào cũng được trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua. Điều đặc biệt là ông luôn xung phong đảm nhận công việc mà những đồng nghiệp khác ngại làm.
Bởi thế, bố tôi được lãnh đạo và đồng nghiệp hết lòng yêu mến. Với sự háo hức của một đứa trẻ, tôi thường xin bố cho ra thăm nơi làm việc - bến cảng để được ngắm những chiếc tàu quốc tế to lớn cập bến, những chú lái tàu người Châu Âu cao lớn, da trắng, mắt xanh. Mỗi lần ra cảng, tôi lại được các cô chú cho rất nhiều quà bánh, đồ chơi của nước ngoài.
Nhưng một tai nạn đã ập đến và bố tôi đã không còn được làm việc mình yêu thích nữa” - chị Hoàn nghẹn ngào kể trong nước mắt.
|
Chị Hoàn được lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam trao giải Nhất cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ" năm 2024. Ảnh: Thu Chinh
|
Đó là một đêm mùa Đông năm 1994, gia đình chị bàng hoàng nhận được tin người cha bị ngã từ trên sà lan xuống cầu cảng, bất tỉnh và đã được đồng nghiệp đưa vào cấp cứu tại Cảng Đoạn Xá. Ba mẹ con vội vã đạp xe gần 10 cây số trong đêm rét mướt để đến thăm bố. Trên đường đi, chị Hoàn và mẹ không ngừng khóc, còn anh trai chị thì im lặng, khuôn mặt đầy lo âu.
Đến nơi, chị thấy chân tay bố trầy xước, loang lổ máu, một ngón chân bị dập nát đã cắt cụt, phần vai phải nẹp cố định và các cô chú cho ăn cháo.
"Nhìn bố, tôi khóc như mưa vì thương bố. Thấy tôi khóc mãi, cô y tá vào tiêm thuốc cho bố tôi nhẹ nhàng bảo: Thôi nào cháu, nín đi, đừng khóc nữa. Bố cháu vừa bị cắt một ngón chân và trải qua cuộc phẫu thuật định hình xương vai rất đau vì hôm nay bệnh viện thiếu thuốc tê, mà bố cháu không khóc. Cháu không bị đau ở đâu sao lại khóc nhè để bố cháu lo.
Nghe vậy, tôi ngưng khóc, nhìn bố trân trân, lúc này tôi mới nhận ra các vết xước trên tay, vai và hai bắp chân của bố vẫn đang rỉ máu, các ngón chân cạnh ngón bị cắt đang tím bầm, phù nề.
Bố tôi phải nằm im bất động nhưng không hề rên la, kêu khóc. Tôi đòi xúc cháo cho bố ăn. Đôi bàn tay run run đưa miếng cháo vào miệng bố, tôi mới thấy hai dòng nước mắt của bố chảy ra, đôi môi cũng run run. Bố ra hiệu cho tôi sang bên giường phía bên trái để bố tôi dùng cánh tay còn lành lặn ôm tôi vào lòng.
Lúc nào cũng thế, mỗi lần bố xúc động là bố lại ôm tôi thật chặt. Đó là một kỷ niệm theo suốt cuộc đời tôi và cũng khiến tôi quyết tâm trở thành một cán bộ công đoàn góp phần làm tốt công tác ATVSLĐ" - chị Hoàn chia sẻ.
Sau 3 tháng điều trị, bố chị được Công ty giới thiệu đi giám định thương tật. Kết quả, bố tôi bị suy giảm thương tật 47%. Sau lần tai nạn đó, bố chị không còn đủ sức khỏe để làm việc trên cao, nâng hạ hàng và những công việc nặng nhọc nữa.
Giám đốc Công ty rất chia sẻ với tình cảm tha thiết yêu nghề của bố chị nên đã sắp xếp, bố trí ông làm việc ở kho hàng Cảng, chuyên ghi chép phiếu xuất nhập kho.
Nhưng với bản tính hay làm, ưa vận động, khi phải chuyển sang làm công việc "bàn giấy", ông đã buồn mất cả năm. Sau này, ông mới quen và thích nghi với công việc mới. Dù sức khỏe bị suy giảm sau tai nạn lao động, ông vẫn luôn nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp với một tình cảm say mê: khi thì giúp đỡ bộ phận bảo vệ, khi thì giúp đỡ bộ phận vật tư hay bộ phận cấp phát đồng phục.
Trong những năm sau này, bố chị luôn dặn dò các con dù làm công việc gì cũng phải luôn ghi nhớ và thực hành quy tắc an toàn. Nếu vận hành máy và các bộ phận truyền động thì phải kiểm tra máy móc, đảm bảo an toàn mới sử dụng. Đi đâu cũng phải quan sát lối thoát hiểm đề phòng các tình huống chập cháy. Không chỉ dặn các con, ông còn dặn dò các cháu bên nội, bên ngoại kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ
"Bố tôi bảo, dù chưa biết gì nhưng dặn dò không thừa. Mưa dầm thấm lâu, các cháu sẽ ghi nhớ và là hành trang cho cuộc đời. Chuyện đã xảy ra gần 30 năm nhưng tôi còn nhớ mãi. Tôi ước, giá như bố còn sống, có lẽ ông sẽ trở thành một an toàn vệ sinh viên giỏi, để tuyên truyền cho người lao động về ý nghĩa của công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ tại nơi làm việc.
Có như vậy, người lao động mới có thể khỏe mạnh, lành lặn để làm công việc mình yêu thích" - chị Hoàn cho biết.
|
Công nhân làm việc tại Trung tâm Phát triển sản phẩm, Tổng công ty May 10. Ảnh: Thu Chinh |
Những lời căn dặn của người bố thân yêu đã tiếp thêm động lực để chị Hoàn nỗ lực góp phần cùng các cấp Công đoàn Dệt May tham gia đảm bảo an toàn, cải thiện điều kiện lao động cho người lao động trong ngành.
Trong đó có việc chị cùng tập thể Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động tham mưu với Ban Thường vụ Công đoàn Dệt May Việt Nam thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI, có điều khoản về quyền lợi liên quan đến điều kiện làm việc cao hơn so với quy định của pháp luật.