Minh bạch truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Luật sư Châu Duy Nguyên đề xuất, bắt buộc sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm và trao quyền giám sát cho người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe.
Người dân đề xuất dán mã QR trên bao bì để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm. Ảnh: Thành Nhân
Hãy để người tiêu dùng cùng giám sát thực phẩm
Luật sư Châu Duy Nguyên – Văn phòng Luật sư An Đăng (Đoàn Luật sư TP.HCM) – cho rằng, trong bối cảnh thực phẩm bẩn len lỏi khắp thị trường, việc truy xuất nguồn gốc là công cụ không thể thiếu để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
“Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là yêu cầu quan trọng trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Hiện nay, Luật An toàn thực phẩm là văn bản pháp lý cốt lõi, quy định tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện an toàn. Bên cạnh đó, còn có Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và nhiều văn bản hướng dẫn như Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Thông tư 25/2016 của Bộ NN&PTNT,... quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, trách nhiệm kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm”, luật sư Nguyên phân tích.
Luật sư Châu Duy Nguyên đề xuất, bắt buộc sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc thực phẩm và trao quyền giám sát cho người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Thành Nhân
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyên, hiện vẫn chưa có quy định pháp luật rõ ràng về hình thức và phương thức truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là trên nhãn bao bì để người tiêu dùng dễ dàng giám sát. Đây là khoảng trống cần được lấp đầy bằng quy định pháp lý bắt buộc.
“Trên bao bì thực phẩm cần có công cụ minh bạch để người tiêu dùng cùng với cơ quan chức năng giám sát chất lượng. Nếu phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn, người dân có thể phản ánh để cơ quan chức năng kịp thời xử lý,” luật sư Nguyên nhấn mạnh.
Để người dân an tâm từ gốc đến bàn ăn
Luật sư Nguyên cho rằng, việc sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, pháp luật cần có hệ thống lưu trữ dữ liệu thống nhất, minh bạch, sử dụng công nghệ số như mã QR trên bao bì hàng hóa.
Theo luật sư Nguyên, nếu không có cơ sở dữ liệu đồng bộ, thì dù có công cụ hiện đại đến đâu, việc truy xuất vẫn chỉ mang tính hình thức.
“Truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp nhanh chóng xác định nguyên nhân khi xảy ra sự cố thực phẩm, mà còn giúp xác định trách nhiệm rõ ràng và thu hồi sản phẩm kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, đây cũng là cơ chế bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp chân chính, tạo ra ranh giới rõ ràng giữa thực phẩm sạch và không an toàn.
Một hệ thống truy xuất hiệu quả giống như camera hành trình của thực phẩm – ghi lại toàn bộ quy trình từ nuôi trồng, chế biến đến phân phối. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi nếu không truy xuất được nguồn gốc, hàng hóa thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và không quy trách nhiệm cụ thể để xử lý,” luật sư Nguyên nói.
Cần chế tài đủ mạnh, công cụ đủ rõ
Hiện nay, theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm có thể bị xử phạt từ 5 đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên, luật sư Nguyên cho rằng, mức phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe với các doanh nghiệp thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.
“Về mặt pháp lý, tôi kiến nghị cần bổ sung quy định cụ thể về hệ thống truy xuất nguồn gốc, từ hình thức ghi nhận, lưu trữ, đến xử lý dữ liệu. Đồng thời, bắt buộc sử dụng mã QR theo chuẩn quốc gia. Cùng với đó là các chế tài xử phạt đủ mạnh để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, luật sư Nguyên đề xuất.
Luật sư Nguyên cũng chia sẻ, bên cạnh việc hoàn thiện pháp lý, vai trò của truyền thông và trang bị kiến thức để người tiêu dùng biết cách sử dụng công cụ như mã QR, và chủ động thực hiện quyền được biết – được an toàn trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
https://laodong.vn/kinh-doanh/minh-bach-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-1538634.ldo
THÀNH NHÂN (BÁO LAO ĐỘNG)