Thời sự
Cập nhật lúc 04:46 10/02/2025 (GMT+7)
Tránh cực đoan trong quản lý dạy thêm, học thêm

Từ ngày 14.2, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mình dạy tại trường, dạy ngoài phải đăng ký kinh doanh. Trước quy định này, nhiều giáo viên đã dừng dạy thêm trong khi Bộ GDĐT khẳng định không cấm dạy thêm, chỉ cấm các hoạt động vi phạm quy định.

Tránh cực đoan trong quản lý dạy thêm, học thêm
Một tiết học của cô trò tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Trường học, giáo viên đồng loạt dừng dạy thêm

Cô Lê Thị Hằng, giáo viên Toán THCS ở Thanh Hóa sẽ chỉ dạy thêm đến hết ngày 13.2. Một năm trở lại đây, cô Hằng nhận dạy kèm khoảng 20 học sinh, chia thành 2 đối tượng: Học sinh ôn thi đội tuyển học sinh giỏi; Học sinh có học lực kém, cần bổ trợ kiến thức. Trong số này, có cả học sinh lớp cô chủ nhiệm và cả học sinh lớp khác. Mức học phí trung bình cô Hằng thu khoảng 70.000 đồng/buổi/em. Tổng thu nhập từ dạy thêm mỗi tháng của cô Hằng khoảng 12 triệu đồng.

Lý do cô Hằng chuẩn bị dừng các lớp học thêm là bởi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2 quy định, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường; giáo viên khi dạy thêm ngoài nhà trường mà có thu tiền của học sinh thì buộc phải đăng ký kinh doanh.

"Dù các em học sinh tự tìm đến và có nhu cầu học nhưng giáo viên chúng tôi đều sợ bị phạt theo thông tư mới nên đang tạm dừng để nghe ngóng thông tin cũng như đợi hướng dẫn từ nhà trường" - cô Hằng chia sẻ.

Theo ghi nhận của Lao Động, không chỉ giáo viên, hàng loạt các trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành đều thông báo dừng dạy thêm tại trường. "Không chỉ dừng dạy thêm trên trường, thầy cô cũng đồng loạt dừng các lớp dạy thêm ở nhà" - chị Nguyễn Thị Hậu, có con đang học lớp 12, Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ.

Một tiết học của cô trò tại Hà Nội. Ảnh: Vân Trang
Một tiết học của cô trò tại Hà Nội. Ảnh: Vân Trang

Trăn trở nguồn kinh phí để dạy thêm trong trường

Thông tư mới của Bộ GDĐT yêu cầu các trường dạy thêm không thu tiền và chỉ dạy với ba nhóm: Học sinh có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; Học sinh được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, với các trường công lập, gần như đơn vị không có nguồn thu đáng kể nào ngoài ngân sách, nên không thể tổ chức dạy thêm miễn phí. Đây là lý do các trường đồng loạt dừng dạy thêm.

Ông Tống Phước Lộc - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GDĐT TPHCM - cho biết, các phòng chuyên môn đang tham mưu Ban Giám đốc Sở GDĐT TPHCM ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định tại Thông tư 29/2024 về dạy thêm, học thêm. Song, hiện nay việc dạy thêm trong nhà trường đang vướng ở hoạt động ôn tập cho học sinh cuối cấp (lớp 9 và 12).

Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục do Bộ GDĐT vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có những chia sẻ liên quan đến việc triển khai, thực hiện Thông tư 29.
Thứ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ GDĐT là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những điều vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm; không đúng quy định.

Dạy thêm học thêm phải không ảnh hưởng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường, tức là không được cắt xén, không trùng lắp kiến thức. Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh. Tức không được ép buộc hay có bất cứ hình thức nào để ép buộc; xây dựng, từng bước hình thành phương pháp, thói quen tự học của học sinh.

Theo Thứ trưởng, trong trường công lập, có 3 đối tượng được bổ trợ kiến thức, gồm: Phụ đạo cho học sinh chưa đạt chuẩn đầu ra của chương trình; bồi dưỡng học sinh giỏi; bồi dưỡng cho học sinh thi cuối cấp.

“Nhưng không gọi là dạy thêm, học thêm mà là bổ trợ kiến thức. Nếu ở tỉnh nào, Sở GDĐT có thể tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên tham gia tổ chức các lớp này, Bộ GDĐT hết sức khuyến khích… Trách nhiệm dạy để học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức, hình thành phẩm chất, năng lực đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình là của thầy cô giáo và nhà trường…” - thứ trưởng phân tích, đồng thời, bày tỏ mong muốn, trong quá trình thực hiện Thông tư 29, lãnh đạo các Sở GDĐT, hiệu trưởng các nhà trường tránh cực đoan.

“Trước đây chúng ta giảng dạy tràn lan, quản lý mà xã hội rất "kêu". Thậm chí những thầy cô dạy tốt cũng bị ảnh hưởng, vì mang tiếng dạy học trò mình, rồi ép buộc, rồi đưa ra cách nọ cách kia... rất tổn thương. Để các học sinh đảm bảo tốt được việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT là trách nhiệm của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn, của nhà trường" - Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm và mong các nhà quản lý chia sẻ tới giáo viên hiểu rằng quy định dạy thêm học thêm để giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và của ngành giáo dục.

“Những thầy cô chân chính, đủ năng lực, có tâm huyết không bao giờ có những hành vi ép buộc đối với học sinh mình để dạy học có thu tiền. Vì vậy, việc quy định một cách minh bạch như thế chính là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô” - thứ trưởng nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Nhiều quốc gia như Hàn Quốc và Singapore đã có những mô hình hỗ trợ học tập ngoài giờ rất thành công, nơi giáo viên có thể dạy thêm hợp pháp và có tổ chức, nhưng không được phép dạy học sinh của chính lớp mình để tránh xung đột lợi ích. Vì vậy, nếu Việt Nam quyết định đưa dạy thêm vào phạm vi hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, cần phải có các quy định chặt chẽ, minh bạch về điều kiện thực hiện và đảm bảo rằng dạy thêm không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học chính khóa. Điều này sẽ giúp dạy thêm trở thành một hoạt động bổ ích, có lợi cho học sinh mà không gây ra bất công.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhìn nhận, việc học thêm rõ ràng thể hiện sự không hoàn chỉnh của hệ thống dạy học chính thức. Hệ thống giáo dục phổ thông cần hoàn thiện để học sinh, dù có học thêm hay không học thêm, đều có thể hoàn thành chương trình. Do đó, bà Hương kiến nghị Bộ GDĐT tăng cường tập huấn cho giáo viên cách hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm hiểu và khám phá. “Học tập chủ động chính là 1 cách rèn luyện tính tự chủ cho học sinh. Đây là kỹ năng còn thiếu của học sinh Việt Nam” - bà Hương kiến nghị.

https://laodong.vn/giao-duc/tranh-cuc-doan-trong-quan-ly-day-them-hoc-them-1460747.ldo

VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: